Nhiều dự án bất động sản vốn ngoại đang tăng vốn

Cập nhật 26/08/2014 13:52

Việc điều chỉnh một số quy hoạch đang được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung bất động sản tại Hà Nội, đặc biệt là việc đầu tư mới các dự án tại khu trung tâm. Do đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tăng vốn đầu tư tại các dự án và đi thâu tóm mua lại dự án được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Việc điều chỉnh một số quy hoạch đang được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung bất động sản tại Hà Nội, đặc biệt là việc đầu tư mới các dự án tại khu trung tâm. Do đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tăng vốn đầu tư tại các dự án và đi thâu tóm mua lại dự án được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Tăng vốn và M&A là giải pháp

Theo nhận định của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, việc sáp nhập, mua lại các dự án bất động sản có xu hướng mạnh hơn trong những năm tới.

Do đó, bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại trong “làn sóng M&A thứ hai” giai đoạn 2014 - 2018.

Cũng theo ông Minh, có một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt vẫn vật lộn với khó khăn, các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính cũng đã nhanh tay tiến hành đi thâu tóm các dự án tiềm năng, thậm chí cả những dự án “đất vàng” với giá hời.

Do đó, có lẽ trong vài năm tới, thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều thương hiệu, dự án trong lĩnh vực này “thay tên, đổi họ” do các nhà đầu tư ngoại thâu tóm để mở rộng lĩnh vực kinh doanh..

Ở một góc nhìn khác, TS Alan Phan, chuyên gia kinh tế tiết lộ, hiện đang có một dòng tiền từ nước ngoài cũng như từ trong nước có xu hướng đổ vào để mua những dự án mà những nhà đầu tư lúc trước đầu tư, giờ lỗ và phải bán tháo.

"Đây là dòng tiền cá mập đang lợi dụng đi vơ vét những xác chết. Những nhà đầu tư mới này họ bắt đầu mua bằng giá thấp hơn giá lúc trước các chủ đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án", TS Alan Phan bình luận.

Về khía cạnh dòng vốn FDI đổ vào bất động sản của Hà Nội, trong điều kiện quỹ đất và nhà xưởng sẵn có để đáp ứng việc thu hút sản xuất công nghiệp của thành phố còn hạn chế, hầu hết các khu công nghiệp đang hoạt động đã được lấp đầy.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Hà Nội không thu hút được thêm các dự án bất động sản, các dự án đầu tư sản xuất sử dụng đất có quy mô lớn.

Báo cáo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, đa số các dự án đầu tư cấp mới trong kỳ thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: Mua bán hàng hoá, dịch vụ thi công xây dựng; công nghệ thông tin... với quy mô vốn đầu tư đăng ký bình quân không lớn (khoảng 800.000 USD/1 dự án).

Về dự án tăng vốn, tổng số có 50 lượt dự án thực hiện điều chỉnh tăng vốn với giá trị vốn đầu tư tăng thêm là 467,1 triệu USD (tăng 83% so với cùng kỳ 2013).

Trong đó, điểm đáng chú ý là, lĩnh vực điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn nhất là bất động sản (chiếm 50,1%), thứ hai là lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo (chiếm 13,9%); tiếp đến lĩnh vực hoạt động mua bán hàng hóa (chiếm 11,8%), còn lại thuộc lĩnh vực khác.

Cửa hẹp cho đầu tư mới

Một kết quả nghiên cứu khảo sát gần đây do Tổ chức Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy, dựa trên quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, bất động sản, du lịch và khách sạn là ngành có mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhất hiện nay, chỉ đứng sau ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.

Tuy nhiên, tại thị trường khu vực Hà Nội, nguồn cung được dự báo sẽ khan hàng trong ngắn hạn ở một số phân khúc cả bình dân lẫn cao cấp do ảnh hưởng của một số quy hoạch có liên quan đến bất động sản.

Thực tế thị trường cho thấy, phân khúc căn hộ bình dân tại Hà Nội (loại trên dưới 1 tỷ đồng/căn) hiện đang "đắt như tôm tươi".

Tuy nhiên, đại diện các sàn giao dịch lớn như STDA, Hoàng Gia, Hòa Bình...cho biết, nguồn cung của phân khúc này không có nhiều triển vọng. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, rất ít dự án căn hộ bình dân mới được đầu tư triển khai.

Hầu hết là các dự án cũ đã được xây dựng từ trước đó, nhưng do thị trường khó khăn nên bị đình trệ, nay thi công trở lại.

Ở phân khúc cao cấp, thị trường đã có tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn đã ấm lại đối với loại căn hộ này. Trong khi đó, nguồn cung trong ngắn hạn sẽ bị hạn chế bởi quyết định tạm dừng xây mới các dự án đô thị trong khu vực nội đô mà Chính phủ mới ban hành hồi tháng 6 vừa qua.

Ở một góc nhìn khác, tuy bất động sản được cho là sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng dường như Hà Nội vẫn không phải là đích nhắm ưu tiên trong giai đoạn nửa cuối năm 2014.

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định, trong nửa cuối năm 2014, dòng vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều hơn Hà Nội.

Bởi lẽ, theo phân tích của ông Richard, các thống kê đều cho thấy, ở Hà Nội, trong cả thời gian dài, vẫn tiếp tục là địa phương thu hút lượng vốn FDI vào các dự án bất động sản khá khiêm tốn so với TP.HCM.

Mặt khác, TP.HCM cũng đang có triển vọng nguồn cung tốt hơn so với Hà Nội. Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong nửa cuối năm 2014, thị trường sẽ đón 11 dự án mới cung cấp hơn 100 nghìn m2. Dự kiến đến năm 2016, sẽ có hơn 390 nghìn m2 từ 27 dự án sẽ tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, ông Richard cũng tiết lộ, một số dự án ở Hà Nội hiện vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Bởi lẽ, hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã mở rất nhiều nhà máy quy mô lớn tại khu vực miền Bắc, vì vậy mức độ quan tâm bất động sản ở Hà Nội hay khu vực gần Hà Nội được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Do đó, việc đẩy mạnh phát triển dự án bất động sản mới nhất là các dự án cao cấp tại Hà Nội được dự báo sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư ngoại đang dành nhiều sự quan tâm tới việc thâu tóm, mua lại (M&A) các dự án bất động sản hơn là việc đầu tư mới.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE