Các chủ đầu tư chạy đua nhau đầu tư hàng chục đến hàng trăm tiện ích cho dự án của mình để lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng mà hầu hết các dự án đều bỏ qua chính là lối đi cho người khuyết tật.
Đa số các dự án bất động sản hiện này thiếu lối đi riêng cho người khuyết tật. Ảnh: Gia Huy |
Thiếu lối đi cho người khuyết tật
Chị Trần Trà My, một người khuyết tật đang sống tại khu dân cư trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, cái khổ nhất của chị không phải đến từ ánh nhìn của người khác, mà đó là ngay tại dự án mà gia đình chị bỏ ra hơn 3 tỷ đồng mua căn hộ, lại không có lối đi riêng cho những người như chị.
Không chỉ dự án nơi chị My sống, mà hầu hết các dự án bất động sản nhà ở hiện này cũng đều đang “khuyết” lối đi cho người khuyết tật.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm gần 29%. Đây được coi là số lượng lớn, trong đó có nhiều người khuyết tật sống tại chung cư và khu đô thị.
Tại Chung cư D5, đường D5, quận Bình Thạnh, TP.HCM, theo Ban quản lý chung cư, hiện khu chung cư này có khoảng gần 500 căn hộ, trong đó có 7 người khuyết tật đi lại khó khăn. Tuy nhiên, thiết kế bậc thềm lên xuống sảnh chung cư cao 50 cm, không có lối đi riêng cho người khuyết tật, gây khó khăn trong việc đi di chuyển của người khuyết tật.
Ngay cả lực sỹ Lê Văn Công đã giành HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016 hiện đang sinh sống tại một khu đô thị ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng được cho là khó khăn trong đi lại ở chính nơi mình đang sinh sống, khi khu đô thị này không có thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật.
Đường đi bộ trong khu đô thị chỉ rộng 1 m, nhưng lại được trồng cây ở giữa đường đi, do đó, anh Công không thể đi xe lăn trên con đường dạo bộ này. Những địa điểm công cộng tại dự án lên tới 48 ha này cũng không có lối đi riêng cho người khuyết tật.
Không chỉ những dự án đã xây dựng không có lối đi riêng cho người khuyết tật, thiết kế tại các dự án đang và sẽ xây dựng hiện cũng không có thiết kế lối đi cho người khuyết tật. Đơn cử như tại Chung cư Centana Thủ Thiêm tại quận 2 do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư, Công ty Rio Land phát triển, hay Khu đô thị Vạn Phước, có điện tích lên tới cả nghìn héc-ta tại quận Thủ Đức cũng thiết kế không có lối đi cho người khuyết tật. Khi được hỏi vì sao không có lối đi cho người khuyết tật, đại diện chủ đầu tư Dự án Centana Thủ Thiêm cho rằng, do tỷ lệ khuyết tật hiếm, nên không cần thiết phải thiết kế.
Ông Nguyễn Tuấn Tú, một thương binh cụt hai chân, hiện đang sinh sống tại Chung cư Bình An trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2, TP.HCM than phiền, chung cư đáng lẽ phải có lối đi riêng cho người khuyết tật. Bởi theo ông Tú, dự án cả ngàn căn hộ, thì cũng phải có người khuyết tật sinh sống, nhưng thiết kế lại không có hạng mục này, thì thực sự vô lý và chủ đầu tư không để ý những hạng mục cần thiết này là điều đáng trách.
Doanh nghiệp bỏ qua quy định?
Luật sư Trần Đình Bắc, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, Bộ Xây dựng đã có những quy định về việc công trình xây dựng phải có thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật. Quy định này nằm trong Văn bản QCVN 10:2014/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Trong đó, quy định nêu rõ, quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, bao gồm nhà chung cư, công trình công cộng, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Luật sư Bắc cho biết, Quy định chỉ rõ, công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải có thiết kế môi trường kiến trúc được tạo dựng mà người khuyết tật có thể đến và sử dụng các không gian chức năng trong công trình. Cụ thể, trong một khuôn viên, công trình hoặc hạng mục công trình ít nhất phải có một đường vào đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Khi có sự thay đổi cao độ đột ngột trên đường vào của công trình, thì phải có đường dốc và tuân theo các quy định sau: Độ dốc: không lớn hơn 1/12; Chiều rộng đường dốc: không nhỏ hơn 1 200 mm; Chiều dài đường dốc: không lớn hơn 9 000 mm; Tại điểm bắt đầu và kết thúc đường dốc phải có khoảng không gian không nhỏ hơn 1.400 mm để xe lăn có thể di chuyển được; Bề mặt đường dốc phải cứng, không được ghồ ghề và không trơn trượt; Bố trí tay vịn liên tục ở hai bên đường dốc; Tay vịn được lắp đặt ở độ cao không lớn hơn 900 mm so với mặt sàn. Ở điểm đầu và điểm cuối đường dốc, tay vịn phải được kéo dài thêm 300 mm. Khoảng cách giữa tay vịn và bức tường gắn không nhỏ hơn 40 mm…
Cũng theo luật sư Bắc, ngay cả lối vào công trình hoặc một hạng mục công trình ít nhất phải có một lối vào đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Lối vào cho người khuyết tật phải dẫn thẳng đến quầy lễ tân và các không gian chính của công trình. Đối với lối vào bằng đường dốc, thì độ dốc, kích thước, bề mặt đường dốc phải đảm bảo yêu cầu; chiều cao bậc không được lớn hơn 150 mm; bề rộng mặt bậc không nhỏ hơn 300 mm; không dùng bậc thang hở; nếu lối vào có nhiều hơn 3 bậc, thì phải bố trí tay vịn hai bên. Lối vào cho người khuyết tật có cửa không được làm ngưỡng cửa…
Ngay cả đường hầm cũng được Bộ Xây dựng quy định như cầu vượt và đường hầm có phần đường dành cho người đi bộ nếu có bậc phải tuân theo các quy định như chiều cao bậc không lớn hơn 150 mm, chiều rộng mặt bậc không nhỏ hơn 300 mm; mỗi đoạn có tối đa 18 bậc. Nếu có nhiều hơn 18 bậc phải bố trí chiếu nghỉ với chiều rộng chiếu nghỉ không nhỏ hơn 1.500 mm và hai bên đường đi có bậc phải bố trí tay vịn, độ cao lắp đặt tay vịn tối đa là 900 mm…
Tuy nhiên, hiện tại, các dự án chung chư, khu đô thị lại thiếu vắng những hạng mục này. Theo luật sư Bắc, khi thẩm định công trình, cơ quan chức năng cũng cần phải để ý tới phần thiết kế dành cho người khuyết tật để khi đưa vào sử dụng thì người khuyết tật không gặp khó khăn, bất lực nếu không có sự trợ giúp như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản