Nhiều dự án bất động sản được “hà hơi thổi ngạt”

Cập nhật 01/03/2022 15:38

Saigon One Tower, Thái Bình Plaza và mới nhất là Kenton Node là ba trong số hàng chục dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại TP.HCM đang được các ông lớn địa ốc bơm vốn để hồi sinh trở lại…

Dự án Kenton Node đã bất động nhiều năm… Ảnh: Lê Toàn

Hồi sinh những dự án “chết”

Đầu tuần qua, Novaland gây bất ngờ với giới đầu tư bất động sản khi những hàng rào xung quanh dự án Kenton Node (Nhà Bè) đã được làm mới, trong đó có logo nhận diện của doanh nghiệp này với vai trò là đơn vị phát triển dự án. Chỉ ít ngày sau, Novaland và chủ đầu tư dự án này là Công ty Tài Nguyên đã làm lễ động thổ với tên gọi mới là Grand Sentosa, được định vị là phân khúc cao cấp.

Dù các thông tin liên quan đến thương vụ này không được công bố chính thức, nhưng đại diện Novaland xác nhận với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, hai bên đã đi đến những bước thương thảo cuối cùng, hiện Novaland sẽ đứng ở vai trò là đơn vị phát triển dự án cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ được chào bán ra thị trường vào khoảng tháng 4 năm nay.

Kenton Node trước đây có tên gọi khác là Kenton Residences, tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, được khởi công năm 2009 gồm 3 phân khu: Plaza, Sky Villa và Residences, có 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Tuy nhiên, giữa năm 2010, thị trường bất động sản đóng băng khiến dự án bị ngưng trệ. Đến tháng 5/2017, dự án đổi tên thành Kenton Node, được công bố có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế..., trước khi một lần nữa bị “đắp chiếu” vào giữa năm 2018.

Tháng 4/2020, BIDV phát đi thông báo tìm tổ chức đấu giá khoản nợ 4.063 tỷ đồng (bao gồm gốc và lãi tính đến ngày 29/3/2020) của Công ty Tài Nguyên. Khoản nợ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton.

Tài sản này đồng thế chấp tại 2 ngân hàng khác là MSB và PVcomBank, được định giá 7.836 tỷ đồng. Trong đó, BIDV chiếm 58% giá trị nên được phân chia và hạch toán 4.545 tỷ đồng. Như vậy, để hồi sinh dự án này, chắc chắn Novaland đã chi ra một khoản tiền không nhỏ.

Một dự án khác đã dừng triển khai gần 10 năm qua và từng bị lãnh đạo TP.HCM “bêu tên” làm xấu diện mạo đô thị là Saigon One Tower nằm ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) do Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư, nay cũng đã rục rịch triển khai trở lại, bên trong dự án công nhân bắt đầu thi công các hạng mục công trình.

Dự án này được quảng bá với tên gọi mới IFC One Saigon do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land phát triển. Tuy nhiên, những thông tin liên quan tới dự án mới còn khá hạn chế và chỉ xuất hiện trên website của Viva Land.

Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi nằm trên khu đất vàng rộng hơn 6.600 m2. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007 với kỳ vọng trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng của TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bất ngờ ngừng thi công khi xây dựng xong phần thô.
… nay được thổi một luồng sinh khí mới bởi nhà phát triển Novaland. Ảnh: Lê Toàn

Tương tự, Khu căn hộ Thái Bình Plaza nằm trên khu đất 14.000 m2 tại địa chỉ số 800 đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức, TP.HCM) dường như đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” sau nhiều năm bất động. Dự án do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng việc bán hàng không khả quan. Chủ đầu tư đã xin chuyển đổi công năng dự án thành Bệnh viện đa khoa Phúc An Khang với quy mô 500 giường, nhưng hoạt động khoảng 2 năm thì tuyên bố đóng cửa.

Hiện bệnh viện này đã được đổi tên thành Khu căn hộ Swiss - Belresidences Upper East Saigon do Công ty cổ phần Tập đoàn Hasco (Hasco Group, có trụ sở đặt tại số 29 đường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) làm đơn vị phát triển, với định vị phân khúc hạng sang.

Nhiều băn khoăn

Nhìn lại năm 2021 vừa qua, đa phần các giao dịch M&A diễn ra tại các dự án bất động sản vùng ven hay những thành phố vệ tinh xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, còn những dự án ở khu vực trung tâm thành phố không được chú ý nhiều.

Bởi vậy, việc hồi sinh các dự án đắc địa tại TP.HCM như Saigon One Tower, Thái Bình Plaza hay Kenton Node không khỏi gây bất ngờ, kéo theo đó là một loạt băn khoăn liên quan tới thời hạn sử dụng đất, quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư cũ...

Chẳng hạn, tại Saigon One Tower, năm 2019, khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo bán đấu giá dự án đã xác định thời gian sử dụng đất còn lại là 39 năm, sau khi trừ đi 11 năm từ thời điểm dự án có quyết định giao đất năm 2008, trong khi hiện nay vẫn chưa có quy định nào cho phép nếu doanh nghiệp “hồi sinh” lại những dự án đắp chiếu được áp dụng thời gian sử dụng đất như thời điểm ban đầu, khiến dự án trở nên kém hấp dẫn.

Về phía khách hàng, việc dự án Saigon One Tower tái sinh khiến nhiều người mua căn hộ ở đây khấp khởi mừng thầm. Những năm 2007-2008, dự án này là cái tên đình đám trên thị trường bất động sản TP.HCM khi sở hữu vị trí vàng, thế nên dù có giá đắt đỏ, từ 100-150 triệu đồng/m2 thời điểm đó, nhưng vẫn đắt khách.

Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bỗng dưng dừng thi công khiến khách hàng ngậm trái đắng vì nhà không có mà nhận, trong khi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vốn bị chôn vô thời hạn. Không chỉ khổ sở vì bị siết nợ, cho đến hiện tại, khi đã về tay chủ mới, quyền lợi của nhóm khách hàng này vẫn bị bỏ ngỏ.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, việc giải quyết quyền lợi của người mua nhà tùy thuộc vào hiệu lực pháp lý giao dịch với chủ đầu tư. Trong trường hợp giao dịch trước khi thế chấp, hoặc sau khi thế chấp nhưng được ngân hàng đồng ý, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi bằng cách hoàn trả, bồi thường bằng tiền, hoặc thỏa thuận thêm với bên mua tài sản tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn. Nếu không chấp thuận việc giải quyết, khách hàng có thể kiện ra tòa án yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh hoặc đã phát mãi tài sản trả lại tiền.

Trường hợp góp vốn sau khi dự án bị thế chấp nhưng không được ngân hàng đồng ý thì khách hàng không được đảm bảo quyền lợi chắc chắn, họ có thể khởi kiện chủ đầu tư để được hoàn trả tiền vì giao dịch không có hiệu lực pháp lý.

Cuối cùng, chủ đầu tư mới có thể sẽ ngồi lại với khách hàng, ngân hàng và chủ đầu tư cũ để thống nhất phương án giải quyết, song việc này dựa vào thiện chí của các bên, chứ không có quy định pháp luật nào bắt buộc.

DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK