Nhiều dự án bất động sản có nguy cơ bị thu hồi

Cập nhật 13/06/2014 08:44

Tại TPHCM, qua rà soát, kiểm tra có hàng trăm dự án phát triển nhà, phúc lợi công cộng đã hết thời gian gia hạn. Theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) 2013 và Nghị định 47 của Chính phủ ngày 15-5-2014 (cả hai có hiệu lực từ ngày 1-7-2014) thì hàng loạt dự án triển khai dở dang có nguy cơ bị thu hồi và buộc phải dừng dự án.

Dự án Vạn Phúc Riverside Residence (Thủ Đức) quy mô gần 200ha được chuyển mục đích từ dự án sân golf sau nhiều năm có chủ trương đầu tư của TP.

327 dự án hết thời gian gia hạn

Nhằm giải quyết tình trạng dự án treo quá lâu, gần 2 năm qua UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT rà soát, báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với những dự án kéo dài quá lâu. Tùy theo tình hình cụ thể của từng dự án mà UBND các quận, huyện và Sở TN-MT đề xuất hướng xử lý. Trong hơn 1 năm qua TP đã gia hạn cho chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để được giao đất theo quy định. Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn, qua kiểm tra 479 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư sử dụng vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh và phúc lợi công cộng thì có tới 327 dự án đã hết thời gian gia hạn.

Theo đề xuất của Sở TN-MT, các dự án sau khi hết thời gian gia hạn nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng mà có chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục thực hiện thì Sở Xây dựng hướng dẫn lập thủ tục để doanh nghiệp thực hiện. Các dự án nhà ở đã hoàn tất bồi thường 100% thì các cơ quan có thẩm quyền xem xét năng lực của chủ đầu tư trước khi chấp thuận tiếp tục đầu tư. Riêng các dự án nhà ở có quy mô lớn và đã bồi thường trên 80% mà chủ đầu tư không có khả năng bồi thường tiếp thì đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy nhanh việc triển khai (với điều kiện đảm bảo kết nối hạ tầng theo quy hoạch được duyệt). Một số trường hợp khác phải thu hồi đấu giá dự án.

Vấn đề quy hoạch treo hay doanh nghiệp được thuận chủ trương đầu tư nhưng vì nhiều lý do mà dự án chậm triển khai hoặc không thực hiện được đã gây nên bức xúc trong xã hội từ nhiều năm qua.

Tại khu Nam TP, năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra một số dự án kéo dài không thực hiện trên địa bàn và đề nghị hủy quyết định giao đất với một số dự án, gồm Khu dân cư Hạnh Phúc; Khu vui chơi, công viên giải trí ở phường Bình Hưng. Sau đó, UBND TPHCM giao Ban Quản lý khu Nam tiến hành xử lý. Tuy nhiên, cuối năm 2012, Thanh tra Chính phủ kiểm tra kết quả thực hiện nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

Nổi cộm là Khu dân cư Hạnh Phúc do Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư, được giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay tỷ lệ đền bù chỉ đạt 30%. Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi dự án nhưng sau đó UBND TPHCM xin cho chủ đầu tư được gia hạn với điều kiện cam kết về tiến độ thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận.

Tại cuộc họp với Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai, chủ đầu tư và đại diện Ban Quản lý khu Nam vẫn xin tiếp tục cho gia hạn dự án và cam kết sẽ hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vào năm 2015. Ngoài 5 dự án nêu trên, khu Nam cũng còn rất nhiều dự án kéo dài hơn chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa ra được phương án bồi thường. Tương tự, tại các quận, huyện khác cũng có hàng trăm dự án tương tự dẫn đến “treo” quyền lợi của người dân.

Sẽ dừng triển khai hàng loạt dự án

Ngày 15-5, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2014/NĐ-CP Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014). Theo đó, một số dự án bất động sản đang triển khai dở dang không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-7) thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định thu hồi đất và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan phải dừng thực hiện dự án.

Cụ thể tại điểm b khoản 3 tại Điều 34 của Nghị định 47 quy định “Đối với dự án không đủ điều kiện tại điểm a khoản này (dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đất phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng…) thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định thu hồi đất và chỉ đạo các tổ chức cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án”.

Như vậy hàng loạt dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn TPHCM do TP thuận chủ trương đầu tư đang đầu tư dở dang có nguy cơ buộc phải dừng dự án từ ngày 1-7 sắp tới. Dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô gần 100ha do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2007, đến nay công ty đã đền bù được hơn 70%.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án hơn 1.500 tỷ đồng để đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng… Bà Loan cũng cho biết phần còn lại đền bù giải tỏa rất khó, do đó đang đề nghị các cấp có thẩm quyền tách 60ha mà công ty đã đền bù xong để giao đất. Tuy nhiên thời hạn đã cận kề, liệu doanh nghiệp có “chạy” nổi thủ tục? Bà Loan cho rằng, quy mô mỗi dự án khác nhau thì công tác đền bù, giải tỏa cũng khác nhau. Do đó các cấp thẩm quyền không nên cứng nhắc căn cứ vào việc đền bù được 80% dự án để cho phép tiếp tục hay dừng dự án.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, băn khoăn: Nếu dự án dừng đầu tư thì việc xử lý tiếp theo như thế nào, tiền doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án tính toán ra sao…?, “Nói chung đây là tin không tốt cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản” - ông Quang bày tỏ ý kiến.

Còn TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thuduc House, cho rằng minh bạch, tăng cường giám sát bằng các công cụ để tạo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần thừa nhận quyền lợi suốt quá trình đầu tư trong một dự án của doanh nghiệp. Có thể giao đất từng phần khi đã đền bù trên 80% diện tích, nhà đầu tư được chuyển nhượng cho khách hàng khi dự án đã hoàn thành hạ tầng… chứ không nhất thiết phải xây nhà xong mới được chuyển nhượng.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP