Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản báo lãi lớn

Cập nhật 01/02/2018 14:35

Đã có những doanh nghiệp đầu tiên của ngành xây dựng, bất động sản báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017. Trong đó, không ít doanh nghiệp báo mức lợi nhuận cao gần gấp đôi so với năm 2016.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Coteccons chậm lại trong năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thành

Bức tranh trái chiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo đó, trong quý IV/2017, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 8.968,18 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 462,13 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2017, doanh thu thuần hợp nhất của Coteccons đạt 27.153,45 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2016 và hoàn thành 106% kế hoạch năm (27.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 1.652,68 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2016. EPS đạt 20.436 đồng/cổ phiếu. Mặc dù lợi nhuận thuộc nhóm khủng nhưng đây lại là mức tăng lợi nhuận thấp nhất xét trong những năm gần đây (năm 2016 tăng trưởng 94%, năm 2015 tăng 105%, năm 2014 tăng 27,5%, năm 2013 tăng 27,85%).

Một đại gia khác trong lĩnh vực xây dựng là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, trong quý IV/2017, HBC đạt hơn 5.074 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2017, HBC đạt tổng doanh thu 16.046 tỷ đồng, tăng hơn 48,7% so với thực hiện năm 2016, hoàn thành 103% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, hoàn thành 104% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng 3-2 (C32) cho biết, trong năm qua, Công ty đạt doanh thu 560 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận lại giảm 6,5%, đạt 90,9 tỷ đồng.

Tương tự, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cũng ghi nhận những nhịp đập trái chiều. Trong khi Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (mã GKM) có mức tăng trưởng ổn định cả doanh thu và lợi nhuận, thì hai doanh nghiệp ngành xi măng lại có bước thụt lùi đáng kể.

Cụ thể, năm 2017, doanh thu của GKM đạt 156 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm 2016 (đạt 124 tỷ đồng), lợi nhuận tăng đột biến 129%, đạt 7,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vicem Thạch cao xi măng (TXM) đạt doanh thu năm đạt 541 tỷ đồng, giảm 8,85% so với năm 201, lợi nhuận đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 18,8%. Thậm chí, Công ty cổ phần Xi măng quán triều VVMI (CQT) đạt doanh thu 484 tỷ đòng, tăng 5,5% so với năm 2016, nhưng lỗ 27,9 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 13 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn

Trong khi các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu có kết quả kinh doanh trái chiều nhau, thì nhóm  doanh nghiệp bất động sản đã báo cáo kết quả kinh doanh lại cho thấy bức tranh khá tươi sáng.

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú -Invest (VPI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 với lợi nhuận sau thuế đạt được cả năm 2017 đạt 421,8 tỷ đồng. Trong kế hoạch năm 2018, Văn Phú đặt mục tiêu doanh thu là 1.933 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 652 tỷ đồng. Đây được coi là mức doanh thu hấp dẫn đối với một công ty bất động sản có nhiều kinh nghiệm, có quỹ đất lớn và đầy tiềm năng như Văn Phú - Invest.

Trong năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đạt doanh thu 3.161 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 756 tỷ đồng, tăng 95,1% so với năm 2016 và vượt 15% kế hoạch năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (SC5) đạt 1.967 tỷ đồng doanh thu trong năm 2017, tăng 33,7% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2016.

Trong khi đó, dù doanh thu giảm 11,4% so với 2016, xuống 1.327 tỷ đồng, nhưng năm 2017, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đạt 448,1 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 84,8% so với năm 2016 và vượt 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Riêng quý IV/2017, PDR đạt hơn 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Giống PDR, doanh thu năm 2017 của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cũng giảm 23,8%, xuống 275 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn đạt 94,9 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2016.

Một số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh trong năm qua có thể kể đến Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Idico (UIC), tăng 33,1%, đạt 60,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 9 (SD9) lãi 38,7 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm 2016.

Với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (XMC), dù chưa có báo cáo chính thức, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2017, doanh nghiệp này cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Cụ thể, tổng sản lượng đạt 2.506,5 tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 2.478,0 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 79,7 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch.

Nhiều ông lớn chưa lộ diện

Thời điểm này, các doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ông lớn của ngành bất động sản, những đơn vị giữ vai trò tạo lập thị trường vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm như Vingroup (VIC),  Vincom Retail (VRE), FLC, FLC Faros (ROS), Novaland (NVL), Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Kỹ thuật (IJC), Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Tập đoàn Hà Đô (mã HDG)…

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường tích cực, cùng với kết quả kinh doanh 9 tháng khả quan, nhiều nhà đầu tư dự báo, bức tranh kết quả kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp bất động sản sẽ rất sáng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản