Nhiều DN địa ốc tìm cách níu kéo dự án treo

Cập nhật 10/09/2013 16:48

Trước nguy cơ bị thu hồi dự án do chậm triển khai, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách níu giữ lại dự án mà trước đây đã phải bỏ nhiều công sức và tiền bạc mới có.

    Dự án … rùa bò

    Thời gian gần đây, một số địa phương như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương đã ra quyết định thu hồi nhiều dự án do chậm triển khai. Ngoài ra, các địa phương cũng đang rà soát để lên danh sách các dự án cần phải tiếp tục thu hồi do chủ đầu tư chây ỳ thực hiện.

    Đợt rà soát dự án nhà ở, khu đô thị mới do Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành mới đây đã “điểm mặt, chỉ tên” hàng loạt dự án và doanh nghiệp chậm triển khai.


    Tại Dự án Nam An Khánh của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), sau 9 năm triển khai, đến nay mới san nền được một phần, hạng mục hạ tầng kỹ thuật cũng mới thực hiện được khoảng 60% khối lượng công việc, làm nền đường cấp phối trục chính của Dự án, nhưng chưa làm vỉa hè. Đồng thời, mới hoàn thành xây thô một số lô biệt thự thấp tầng (khu vực gần khu dân cư hiện hữu).

    Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một lãnh đạo của Sudico cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cho phù hợp. Việc triển khai Dự án thời gian tới sẽ chỉ làm theo từng phần là hạ tầng, làm móng, rồi mở bán, còn tiến độ xây dựng tiếp theo ra sao phụ thuộc vào khách hàng.

    Một dự án đình đám khác của Sudico cũng bị điểm tên là “siêu” Dự án Khu đô thị Tiến Xuân (nằm trên địa phận huyện Thạch Thất và Quốc Oai). Dự án có quy mô lên đến 1.253 héc-ta, dân số 125.330 người. Tuy nhiên, hiện phần lớn diện tích của dự án này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng, trong khi phần diện tích đã giải phóng mặt bằng, người dân tiếp tục vào canh tác.

    Nói về Dự án Tiến Xuân, đại diện Sudico thừa nhận, doanh nghiệp mới giải phóng mặt bằng được khoảng 200 héc-ta và hiện Dự án đã bị dừng do Thành phố tiến hành phân khu chức năng. Việc tái khởi động Dự án Tiến Xuân phụ thuộc vào công tác rà soát và quy hoạch phân khu của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, nếu tiếp tục được thực hiện, doanh nghiệp không thể triển khai toàn bộ Dự án, mà phải thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn cũng chỉ tiến hành với một diện tích nhất định. Vì thế, tiến độ Dự án có thể kéo dài đến 20 năm.

    Một “siêu” dự án khác nằm trong "danh sách đen" của Sở Xây dựng Hà Nội là Dự án Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) của Geleximco. Tương lai của dự án này đang bất định khi chủ đầu tư Geleximco mới đây đã xin trả lại Dự án BT đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, vốn được đối ứng bằng Dự án Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc.

    Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một lãnh đạo của Geleximco cho biết, doanh nghiệp đang kiểm tra lại tính hiệu quả của Dự án, bởi tình hình hiện nay, việc bán được hàng là rất khó khăn, hơn nữa, doanh nghiệp cũng đang có xu hướng co lại mảng kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, khả năng trả lại dự án BT là rất khó, vì đến thời điểm này, Geleximco đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào dự án giao thông này.

    Quyết giữ dự án

    Trong danh sách rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) là doanh nghiệp có nhiều dự án “dính phốt” nhất. Trong đó điển hình là Dự án Bắc Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai). Dự án có quy mô 11 héc-ta, đã được triển khai từ 10 năm, nhưng đến nay, mới giải phóng mặt bằng được 8% diện tích quy hoạch.

    Phóng viên Đầu tư Bất động sản đã đến thực địa tại dự án này thì thấy trước mắt là một khu đất trống bị ô nhiễm, đã được chủ đầu tư quây tôn kín để ngăn ô nhiễm xâm nhập với khu dân cư thuộc Khu đô thị Đại Kim - Định Công. Phần diện tích đã giải phóng mặt bằng hiện đang được sử dụng làm bãi trông xe ô tô.

    Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Duy Cương, Giám đốc HANHUD cho biết, việc triển khai hiện nay gặp khó khăn, bởi Dự án có tới 8 doanh nghiệp thứ phát “góp gạo thổi cơm chung”. Kinh phí đền bù và thực hiện dự án phụ thuộc vào nhà đầu tư thứ phát, tuy nhiên, do thị trường đóng băng, các doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn lớn về nguồn lực để có thể tiếp tục góp vốn.

    Dù đang gặp nhiều khó khăn và để dự án treo quá lâu, nhưng khi được hỏi về khả năng trả lại Thành phố, ông Cương cho biết, sẽ không có chuyện đó, mà doanh nghiệp đang đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

    Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc doanh nghiệp không thể thực hiện được dự án, nhưng không chịu trả đất thể hiện cái nhìn ngắn hạn, không có định hướng của nhiều chủ đầu tư, cũng như những tính toán riêng khác của họ. “Vì thế, vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có những chế tài đủ mạnh trong việc thu hồi, hoặc đánh thuế thật cao với những dự án chậm triển khai, chứ đừng hy vọng doanh nghiệp tự nguyện xin trả lại dự án. Có như thế, việc sử dụng đất mới có hiệu quả”, GS. Võ nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán