Nhiều biệt thự cũ ở TP.HCM: Sắp thoát cảnh đập nhà phải xin phép

Cập nhật 30/08/2009 09:20

Quận 3 là một trong những quận vốn đặc thù là biệt thự, nhà vườn kiểu Pháp hiện cũng đã bị mai một. Ảnh: HTD.

Bộ Xây dựng sắp hướng dẫn cụ thể, công khai biệt thự cũ nào phải giữ nguyên, biệt thự cũ nào thoải mái đập để xây mới.

Mới đây lại có thêm một biệt thự cũ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) được Hội đồng kiến trúc TP.HCM thống nhất quan điểm không cho đập để xây cao ốc, tạm thời giữ nguyên theo Công văn số 3606 năm 1996 của UBND TP.HCM. Theo công văn này, muốn phá dỡ công trình có nguồn gốc biệt thự trước năm 1975 bắt buộc phải có ý kiến chấp thuận của thành phố.

Khó kiếm ra dãy phố đặc trưng

Vấn đề là việc từ chối hoặc đồng ý cho đập các biệt thự cũ để xây cao ốc của Hội đồng kiến trúc TP dựa vào cơ sở nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nếu lý do chỉ vì công trình này có kiến trúc đẹp, tạo cảnh quan cho thành phố thì xem ra có phần cảm tính.

Ngày 17-5-1996, UBND TP ra Thông báo số 46 về danh mục các công trình cần bảo tồn gồm hơn 100 công trình. Chẳng hạn dãy biệt thự ở một số đường như Tú Xương hoặc có nguồn gốc do cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế... buộc phải giữ lại. Tuy nhiên, danh sách này nêu chung chung là “các biệt thự tiêu biểu” và bỏ sót các hình thức nhà ở khác, ví dụ nhà phố liên kế. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP cũng đã lập danh sách những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa để bảo tồn. Hiện có hơn 100 công trình như đền đài, chùa, nhà cổ... được sở này xác lập và xếp loại nhưng trong đó có rất ít công trình bảo tồn về mặt kiến trúc. Nói cách khác, những biệt thự nằm đơn lẻ hoặc dạng nhà ở có kiến trúc đặc biệt không nằm trong Thông báo số 46 và danh sách của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì chưa có quy chế nào quản lý. Vì vậy, tiêu chí để xét nên giữ lại hay cho phá dỡ xây mới đối với diện biệt thự này vẫn chưa được xác định.

“Quận 5 trước đây có một dãy phố người Hoa rất đẹp nhưng rồi cũng nhiều nhà ở hiện đại xây lọt vào. Hiện nay, muốn tìm một dãy phố có hình thái kiến trúc đặc trưng của thành phố là rất khó, hầu hết đã bị xen lẫn. Không gian của quận 3 vốn đặc thù là biệt thự nhà vườn kiểu Pháp hiện cũng đã bị mai một. Đó là một điều đáng tiếc” - ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nhận xét.

Một loại giữ nguyên, hai loại được đập


Trước Thông báo số 46, thành phố từng có một chương trình nghiên cứu do tiến sĩ Lê Văn Nin chủ trì về việc bảo tồn khu vực. Đề tài này thực hiện rất công phu, có cả ảnh và lý lịch từng công trình có giá trị. Do nhiều lý do, đề tài này chưa được triển khai trong thực tế. Vài năm trước, Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QHKT) đã từng dự định bắt đầu lại dự án này.

Mới đây, công việc trên được khởi động trở lại do Bộ Xây dựng đã có dự thảo thông tư về các công trình cần bảo tồn. Sở QHKT vừa góp ý cho dự thảo này. “Lúc đầu, dự thảo có nội dung khá cứng, hễ biệt thự là phải giữ lại. Sau đó, có góp ý thì nội dung đã mềm hơn” - ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quy hoạch khu trung tâm (Sở QHKT), cho biết. Dự thảo thông tư chia công trình làm ba loại: Một loại kiên quyết giữ nguyên hiện trạng; loại thứ hai cho xây mới nhưng phải có kiến trúc biệt thự; loại thứ ba được xây mới theo quy hoạch.

“Nhiệm vụ tiếp theo là phải lập một danh sách cụ thể, có các tiêu chí xếp loại rõ ràng cùng với quy định về việc xây dựng, bảo tồn. Chẳng hạn biệt thự được xây lại thì xây thế nào vì kiến trúc biệt thự của Pháp khác với biệt thự hiện nay” - ông Thảo góp ý. “Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các công trình bảo tồn do nhà nước không cho họ xây mới” - ông Thảo đề xuất. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho biết ông rất đồng tình và tâm huyết với việc này. Viện sẽ quyết liệt phối hợp Sở QHKT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện để trình UBND TP.

Giúp người dân khỏi mua nhầm biệt thự bảo tồn

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc xây dựng quy chế bảo tồn các công trình tuy mất thời gian, có thể một, hai năm nhưng rất có ý nghĩa. Khi đó sẽ công khai để người dân biết biệt thự của mình thuộc loại nào, giúp họ chủ động hơn, tránh trường hợp mua biệt thự mấy ngàn lượng vàng rồi không được cho đập ra xây cao ốc. Về phía cơ quan nhà nước cũng không bị khó xử khi quyết định cho biệt thự nào được xây mới, buộc biệt thự nào phải giữ nguyên hiện trạng.
 


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG