Nhiều bất cập trong Luật đất đai

Cập nhật 17/07/2012 13:00

Tại hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật đất đai, hầu hết các đại biểu đều có ý kiến về các loại chi phí khi triển khai dự án bất động sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao, thời gian thực hiện quá lâu và nhiều quy định chưa rõ ràng.

Ảnh minh hoạ

Sửa đổi Luật đất đai đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm, nhất là khối doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hội thảo đóng góp ý kiến để xây dựng và sửa đổi Luật đất đai vừa được tổ chức tại TP.HCM đã cuốn hút nhiều tầng lớp tham gia.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng: “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay vẫn chưa được làm tốt. Hiện nay doanh nghiệp vừa phải mua đất của dân theo giá thị trường, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước một lần nữa, gần như phải mua đất 2 lần. Đây chính là nguyên nhân làm cho mặt bằng giá bất động sản cao hơn các nước trong khu vực”.

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Nam Long phân tích: “Cũng như giá đất ở, theo quy định, để thu khi chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân dẫn đến hàng ngàn hồ sơ của các hộ dân chưa thực hiện được trong việc chuyển từ đất nông nghiệp thành đất ở cũng như các doanh nghiệp, thì sau 2009 theo định giá sát thị trường, nghĩa vụ nộp rất cao và gần như họ không thể nộp được”.

Các doanh nghiệp công nhận Luật đất đai năm 2003 có những đóng góp lớn với thị trường bất động sản, tuy nhiên nó còn tồn tại những điểm yếu như cơ chế không rõ ràng trong chuyện giao đất, cho thuê đất cũng như chọn chủ đầu tư dự án. Việc đó dẫn tới trường hợp là thị trường sẽ không còn minh bạch, người dân sẽ không làm chính thức, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn tới thất thu ngân sách.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quang, giải pháp là nên điều chỉnh các tỷ lệ điều tiết từ trong nghĩa vụ đối với nhà nước thì lập tức người dân chấp nhận được, doanh nghiệp và thị trường chấp nhận được, khi đó việc nộp tiền sử dụng đất theo quy định của nhà nước sẽ được thực thi và nhà nước thu được sẽ nhiều hơn hiện nay”.

Theo ông Quang, từ một dự án bất động sản, nhà nước không chỉ thu tiền sử dụng đất mà còn có thể thu tiền chuyển thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty bất động sản, thuế thu nhập cá nhân của những người chuyển nhượng qua lại bất động sản và các loại thuế bất động sản khác hình thành sau đó. Nhà nước sẽ thu được cái tổng thể lớn và từ đó là động lực để phát triển kinh tế và phát triển quỹ nhà ở cho quốc gia. Những ý kiến này đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ghi nhận.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: “Trên cơ sở ý kiến của hội thảo, chúng tôi sẽ xem xét, hoàn chỉnh để trình Ban chỉ đạo trung ương, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương trong các kỳ họp tới”.

Một loạt các ý kiến khác về kéo dài thời gian giao đất nông nghiệp, nâng cao hạn mức và những ý kiến liên quan tới quyền sở hữu đất đai cũng được đưa ra. Đại diện các doanh nghiệp và người dân tin tưởng có làm được những việc đó thì người dân Việt Nam mới dễ tiếp cận nhà ở và các ngành kinh tế sẽ phát triển ổn định hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV