Nhếch nhác xóm trọ công nhân

Cập nhật 06/10/2010 08:30

Sự gia tăng nhanh về số lượng của các dự án đầu tư trong và ngoài nước đã tạo ra lực hút mạnh đối với lao động (LĐ) nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, vấn đề nhà ở và đời sống của công nhân tại đây vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Cảnh thường thấy ở khu nhà trọ cho công nhân do tư nhân xây

Chỗ nào cũng thiếu


Hiện cả nước có hơn một triệu công nhân làm việc tại 154 KCN, khu chế xuất (KCX). Trong đó mới chỉ có 7-10% số LĐ được thuê nhà trong các khu xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, số còn lại hơn 70%, phải thuê ở ngoài với chất lượng nhà thấp kém. Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công nhân đang phải sống tạm bợ trong các ngôi nhà tồi tàn, không bảo đảm để tái sản xuất sức lao động. Trong khi đó, mức lương trung bình của người LĐ ở các KCN chỉ tương đương 1,2 - 2 triệu đồng/tháng/người. Với số tiền ấy, công nhân chỉ đủ sống và trang trải các sinh hoạt hàng ngày, nên rất khó tích lũy để mua được một căn hộ. Vì vậy, vấn đề nhà ở cho công nhân rất nan giải.

Có mặt tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, một trong những xã có tỷ lệ người LĐ nhập cư tương đối cao, chúng tôi nhận thấy phần lớn người LĐ nhập cư phải thuê nhà ở gần các KCN, công ty để tiện đi làm. Do nhu cầu về chỗ ở của người LĐ rất lớn, trong khi đó các chủ sử dụng LĐ không đáp ứng được, dẫn đến người LĐ phải tự lo chỗ ở. Công nhân Võ Văn Thanh hiện đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long than phiền: “Dù biết nơi ở chật chội, giá điện, nước đắt đỏ, môi trường sống nhếch nhác nhưng chúng tôi cũng phải thuê để trọ. Chứ tìm chỗ ở tiện nghi, đầy đủ các điều kiện thì đồng lương công nhân chúng tôi không thể với tới”. Cũng như anh Thanh, hàng trăm nghìn công nhân, người LĐ phải tự tìm thuê nhà trọ tư nhân trong điều kiện tương tự như thế.

Không đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự


Mọi sinh hoạt của 3 công nhân gói gọn trong căn phòng chật chội này

Theo khảo sát của chúng tôi, chất lượng nhà trọ cho công nhân do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hiện tồn tại khá nhiều vấn đề: Hầu hết không đảm bảo các chỉ tiêu như mật độ xây dựng, không có chỗ nấu ăn, chỗ giặt nằm trong phạm vi phòng ở, các phòng thiếu ánh sáng, không có diện tích cây xanh, không đảm bảo về diện tích bình quân đầu người. Về kết cấu và vật liệu xây dựng nhà ở: hầu hết không đảm bảo về kết cấu và vật liệu xây dựng như sử dụng ván ép, tôn làm vách ngăn chia giữa các phòng, không có trần chống nóng; không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy: nấu ăn trong phòng chật, lối đi giữa các phòng hẹp, không có bể nước phục vụ cứu hỏa, bình chữa cháy và các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Đa số các phòng trọ là nhà cấp 4, thậm chí có nơi không có điện, nước máy, điều kiện vệ sinh kém, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, năng suất và chất lượng LĐ và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người LĐ nhập cư và vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh KCN. Chưa kể những khu nhà trọ cũng là miếng mồi ngon của một số tên “đạo chích”.

KCN tăng nhanh nên nhu cầu về nhà ở cho người LĐ cũng trở thành vấn đề bức xúc. Dịch vụ xây nhà cho thuê của tư nhân cũng phát triển. Một số hộ còn tận dụng các công trình chăn nuôi, phá bỏ vườn cây ăn quả để làm phòng trọ thuê. Giá thuê của những phòng trọ này khoảng 300 - 400 nghìn đồng/tháng/phòng. Để tiết kiệm chi phí, có phòng trọ chỉ rộng khoảng 8m2 nhưng có tới 3-4 công nhân cùng ở. Chị Nguyễn Thu Anh, quê ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Phòng trọ chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10m2 với 3 con người thì cái giường đã chiếm 1/3 diện tích. Để có chỗ dựng xe đạp, đồ đạc như chậu, nồi, bếp ga du lịch... chúng tôi phải cho tất xuống gầm giường. Dãy nhà trọ có 6 phòng nhưng chỉ có một nhà vệ sinh…”.

Với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn hiện nay, người LĐ rất thiếu điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm. Đặc biệt, trong các khu công nghiệp có số LĐ nữ nhiều, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể quan tâm thỏa đáng. Bên cạnh đó, do LĐ nhập cư làm việc tại các KCN tăng mạnh về số lượng, dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi hầu hết chính quyền địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp đều chưa chú trọng tới việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá thấp. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này…?

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô