Nhếch nhác Khu đô thị Nam Cần Thơ

Cập nhật 02/12/2009 13:50

Mặc dù đã có một số khu nhà ở, trường học, bệnh viện, chợ… mọc lên tại Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), nhưng sau 5 năm triển khai đến nay, khu đô thị mới này vẫn rất lộn xộn.

Khu đô thị này có 26 dự án, trong đó có 23 dự án khu dân cư (KDC), do 19 chủ đầu tư thực hiện với diện tích hơn 1.166 ha trên 2.028 ha. Thế nhưng, hiện nay nhiều khu đất ở đây đang bị bỏ hoang, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển không đồng bộ.

Chắp vá

Đến nay, ở đây chỉ có 5 dự án cơ bản hoàn thành, 7 dự án hình thành từng phần, 14 dự án đang… chuẩn bị đầu tư. Trong các dự án đã triển khai, các chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được 605 ha trong tổng số 1.166 ha (đạt hơn 51% diện tích). Phần diện tích còn lại bỏ trống do chưa đền bù giải tỏa và chưa có nhà đầu tư.
 

Xen lẫn trong những khu dân cư ở Khu đô thị Nam Cần Thơ là những khu đất hoang. Ảnh: Trung Dân


Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Công ty phát triển và kinh doanh nhà thành phố Cần Thơ, chỉ có hơn 1.100 ha nhưng lại có tới 26 nhà đầu tư nên nhiều dự án triển khai rất manh mún, chắp vá. “Khu đô thị Nam Cần Thơ như một bức tranh nhưng có quá nhiều họa sĩ vẽ lên đó nên mới lộn xộn như vậy”, ông Sử ví von.

Ở nhiều KDC, do giải phóng mặt bằng không dứt dạt nên dự án không thể triển khai đồng bộ. Chẳng hạn KDC lô 5C, có quyết định giao đất cho nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 10) từ năm 2004, đến nay mới giải phóng mặt bằng được 15 ha trên 37 ha và vẫn trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật. KDC lô 7A (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8) mới giải phóng mặt bằng được 18%. KDC của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng thương mại Diệu Hiền (lô 11B) đã được nghiệm thu cơ sở hạ tầng nhưng cũng mới chỉ có 15% diện tích xây dựng nhà ở.

Thiếu quy hoạch chuyên ngành

Theo quy hoạch, mật độ xây dựng tại Khu đô thị Nam Cần Thơ tối đa chỉ 40%, nhưng trên thực tế mật độ xây dựng ở nhiều dự án lên đến 50%. Vì thế, diện tích cho công viên cây xanh bị thu hẹp hoặc không còn nữa. Theo Ban quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ, khu vực này trước đây là ngoại thành, hạ tầng kỹ thuật yếu kém nên khó thu hút nhà đầu tư. Vì thế, thành phố phải chia sẻ cho nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ dẫn đến việc thi công không đồng bộ.

Theo ông Võ Thành Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc, rào cản lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án ở Khu đô thị Nam Cần Thơ là do thành phố không xác định được giá đất bồi thường (giá trần) nên người dân đòi giá cao, nhà đầu tư không thỏa thuận được. Do đó, “công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào cách vận dụng và năng lực tài chính của nhà đầu tư”, ông Vạn nói.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8, cho biết: “Ngoài đơn giá bồi thường, hỗ trợ khá cao, công ty còn hỗ trợ thêm tiền để chủ đất xây nhà mới nhưng người dân cũng không chịu”. Còn ông Mai Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhận định: “Chính sách đền bù của nhà đầu tư chưa theo theo kịp thực tế. Vì thế, mới có tình trạng hai dự án kề nhau nhưng giá đền bù lại khác nhau, phát sinh so bì”.

Trao đổi về tình trạng phát triển lộn xộn ở Khu đô thị Nam Cần Thơ, ông Phạm Văn Nhơn, Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch thành phố Cần Thơ cho biết, do quy hoạch chuyên ngành (điện, nước…) không có ngay từ đầu, khi thực hiện quy hoạch phân khu thì mạnh nhà đầu tư nào nấy làm nên mới có chuyện phát triển không đồng bộ như thế. Ông Nhơn đề xuất: “Cần phân rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Xây dựng, Ban quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ và UBND quận Cái Răng trong việc quản lý xây dựng, kiến trúc tại khu đô thị Nam Cần Thơ thì mới mong quản lý tốt được”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt