Nhếch nhác… “hậu kiểu mẫu”

Cập nhật 18/05/2014 06:57

KĐT Linh Đàm nằm ở khu vực cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, được hình thành từ năm 1997 và được công nhận là KĐT kiểu mẫu từ năm 2009. Cho đến nay, KĐT kiểu mẫu ấy đã “quá đát” đang trở nên nhếch nhác đến mức… không giống một KĐT nào ở Hà Nội..

“Nỗi khổ” của những căn biệt thự hoang


KĐT mới Linh Đàm là dự án của TCty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HUD). Ngày 22-1-2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 74/QĐ-BXD công nhận KĐT mới Linh Đàm là KĐT mới kiểu mẫu. Ngày 8-7-2009, tại KĐT mới Linh Đàm, TCty HUD đã tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận Khu đô thị kiểu mẫu và lễ gắn biển Công trình “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, không mấy ai không cảm thấy buồn khi nghĩ tới 2 từ “kiểu mẫu”.

Theo quy định, Quyết định công nhận KĐT mới kiểu mẫu có thời hạn hiệu lực 5 năm. Như vậy, tính đến nay thì KĐT mới Linh Đàm đã “quá đát” công nhận là KĐT kiểu mẫu gần 4 tháng. Mặc dù chưa có một đánh giá, xem xét nào về việc có tiếp tục công nhận KĐT Linh Đàm là KĐT kiểu mẫu nữa hay không, nhưng tấm biển treo trên cổng chào vào KĐT vẫn chềnh ềnh “Khu đô thị kiểu mẫu”.

Đi sâu vào trong KĐT, hàng chục căn biệt thự đang trong tình trạng vô chủ, bên cạnh những căn biệt thự mới xây thô. Do tác động của thời tiết, thời gian và thiếu sự “chăm sóc” của con người, nên hàng chục căn biệt thự đang trở thành những hình ảnh “bôi bẩn” KĐT bởi màu rêu, mốc xanh và lạnh lẽo. Có nhiều căn biệt thự bỏ hoang còn bị người dân biến thành những nhà vệ sinh công cộng, mùi hôi thối bốc ra làm mất vệ sinh cho cả các hộ xung quanh. Chưa hết, có những căn biệt thự còn đang trở thành “thiên đường” cho những con nghiện vào chích hút.


Với sự tồn tại của những căn biệt thự bỏ hoang, KĐT Linh Đàm có xứng đáng là KĐT kiểu mẫu? Ảnh: N. Khuê

Kiểu mẫu hay… “làm mẫu”?

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc đánh giá, công nhận thế nào là một KĐT kiểu mẫu, được nêu tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD, một KĐT được công nhận là KĐT kiểu mẫu phải có các tiêu chí sau: “Diện tích phải rộng từ 50ha trở lên. Nếu là KĐT cải tạo từ đô thị cũ thì phải rộng từ 20ha trở lên; Dân cư của các KĐT từ 5.000 người trở lên hoặc tương đương với 1.000 căn hộ; KĐT bao gồm các nhà cao tầng, nhà chung cư, biệt thự; Tỷ lệ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải lấp đầy hơn 70% diện tích và phải đạt 100% lượng cư dân đến ở… Tỷ lệ cây xanh công cộng từ 7m2/người trở lên. Đảm bảo sự phù hợp về cây xanh chức năng, cây xanh đường phố; đảm bảo mỹ quan...”.

Quy định là vậy, với hàng chục căn biệt thự đang bị bỏ hoang kia thì KĐT Linh Đàm có đủ điều kiện cần thiết để được công nhận là KĐT kiểu mẫu? Thêm vào đó, sau khi TCty HUD đón nhận Quyết định công nhận KĐT Linh Đàm là KĐT kiểu mẫu, thì một số diện tích cây xanh đã bị “xóa sổ”, thay vào đó là những tòa nhà cao tầng mọc lên. Dư luận cho rằng, sở dĩ TCty HUD phải thiết kế những vườn cây xanh đó là để cho đủ điều kiện xét công nhận là KĐT kiểu mẫu. Nhưng khi được công nhận rồi thì đơn vị này đã tận dụng một phần diện tích cây xanh để xây dựng những tòa nhà để bán và cho thuê, thu lời “bất chính”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, TCty HUD đã cố giành giật cho được cái quyết định công nhận KĐT Linh Đàm là KĐT kiểu mẫu, với mục đích dễ bán, bán giá cao những căn biệt thự, chung cơ cao tầng… và khi mục đích đã đạt được thì cái gọi là “kiểu mẫu” kia cũng bị “bỏ rơi”?

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Xã hội