Phía Nhật Bản sẽ tìm hiểu việc phát triển lưu lượng xe, lưu lượng hàng hóa, hành khách, phương án thu hồi vốn của đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) để báo cáo Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu, xem xét cho vay vốn để Việt Nam làm dự án cao tốc này.
Sơ đồ hướng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn - Nguồn: Bộ GTVT
|
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, ngày 11-7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã làm việc với ông Katsuro Nagai, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc vay vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đường cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Viêng Chăn của Lào là một trong các dự án kết nối chiến lược cần được đầu tư xây dựng trong thời gian tới, nhằm tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam và Lào đã thống nhất tuyến đường này sẽ là tuyến đường cao tốc ngắn nhất nối liền hai thủ đô với quy mô 4-6 làn xe, đi theo hướng tuyến Viêng Chăn - Pacxan - cửa khẩu Thanh Thủy - nút giao nối vào tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sau này, sau đó đi theo hướng Nghệ An – Ninh Bình – Hà Nội.
Ông Thọ đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ tài chính cho dự án này thông qua các tổ chức như JICA hay ADB.
Về phía Nhật Bản, ông Katsuro Nagai cho biết, sẽ tiếp tục tìm hiểu những thông tin cụ thể hơn về dự báo phát triển lưu lượng phương tiện, lưu lượng hàng hóa, hành khách, phương án thu hồi vốn… Sau đó sẽ báo cáo Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu, xem xét về việc hỗ trợ đầu tư dự án này.
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục làm việc, tăng cường trao đổi thông tin và khảo sát hiện trường phục vụ cho việc xem xét hỗ trợ đầu tư của Nhật Bản cho dự án.
Hiện nay, dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn vẫn chưa xác định được các nguồn vốn để xây dựng. Vì vậy, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào đang tìm kiếm các nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài.
Trước đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi), đã nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội với chiều dài khoảng 760 km, đi theo lộ trình thủ đô Viêng Chăn – Pắc San – Thanh Thủy (Nghệ An) – Hà Nội.
Để hình thành tuyến đường ngắn nhất theo tiêu chuẩn đường cao tốc, qua xem xét các phương án kết nối qua các cửa khẩu được đề xuất, Tedi cho rằng cần tập trung nghiên cứu hướng kết nối từ Viêng Chăn đến Hà Nội qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Nghệ An) - Nậm On (tỉnh BolyKhămxay).
Sau khi xác định được hướng tuyến, quy mô, dự án sẽ được nghiên cứu khả thi và phân kỳ đầu tư cho phù hợp. Khi có đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội có thể kết nối thuận lợi với các thủ đô Bangkok của Thái Lan và Naypydaw của Myanmar.
Cũng liên quan đến các dự án giao thông kết nối từ Việt Nam đến Lào, hồi tháng 10-2015, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký hợp tác để lập dự án nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam) đến thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội và tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn là những tuyến đường quan trọng để kết nối các nước ASEAN cũng như trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Việc nghiên cứu, đầu tư các tuyến đường nối Việt Nam và Lào nhằm hoàn thiện dần hệ thống giao thông trong khu vực, thúc đẩy giao thương giữa các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là giữa Việt Nam và Lào.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG