Dự án bất động sản sản nhà ở được chào bán nhan nhản, nhưng các thương vụ thành công trong 6 tháng qua lại tập trung ở dự án BĐS thương mại.
Hoạt động M&A bất động sản (mua bán, sáp nhập) diễn ra trong thời gian qua khá sôi động, trong đó BĐS thương mại được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Theo báo cáo một số đơn vị, từ 2011 đến nay M&A bắt đầu xuất hiện nhiều thương vụ lớn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, những thương vụ thâu tóm diễn ra khá nhiều ở mảng BĐS thương mại, dự án BĐS nhà ở thì được chào bán nhan nhản nhưng lại không có mấy giao dịch thành công.
Theo ông Phan Xuân Cần, chủ tịch Sohovietnam, khó khăn tài chính, cạn kiệt tiền mặt là lý do chính khiến các chủ dự án phải tái cơ cấu lại dự án. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của các dự án BĐS nhà ở là chỉ những dự án “hoa hậu” mới có thanh khoản và được nhà đầu tư quan tâm, còn các dự án vùng ven được chào bán nhan nhản. Và để những dự án này “hồi sinh” thì con đường duy nhất là phải “đổi chủ”, những nhà đầu tư có tiềm lực sẽ tạo “luồng gió mới” cho dự án.
Ông Cần lấy ví dụ, một dự án nhà ở nằm trên đường Lê Đức Thọ,vị trí đã đầy đủ các tiện ích, hạ tầng để phát triển nhà ở, do chủ đầu tư này gần như cạn vốn nên đến nay vẫn “đắp chiếu” để đó nhiều tháng nay, mặc dù dự án đã xây lên đến tầng 6, tầng 7 và số vốn đã đổ vào đây khoảng 600-700 tỷ. Và để dự án này có thể “hồi sinh” thì dự án buộc phải tái cấu trúc.
Đây cũng là trường hợp điển hình cho rất nhiều dự án BĐS nhà ở đang xây dựng dở dang trên thị trường hiện nay. Đây cũng là thời điểm nhu cầu thực về mua bán dự án tăng khá cao, vấn đề mấu chốt vẫn là giá.