Nhắm mắt… đầu tư bất động sản

Cập nhật 01/05/2009 09:35

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 1.000 USD một năm (năm 2008) trong khi hầu hết các doanh nghiệp ngành này chỉ chú trọng đến những dự án hoành tráng, giá “bèo” nhất cũng trên 1.000 USD một m2.

Như vậy, rất nhiều người tích cóp một năm cũng không mua nổi một m2 căn hộ. Không khảo sát, phân tích nhu cầu của thị trường trước khi đầu tư hiện là “căn bệnh” lâu năm của nhiều công ty ngành bất động sản Việt Nam.

Xây lên rồi… để không

Cuối tháng 3, một công ty bất động sản ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, TP HCM) tuyên bố bán 168 căn hộ cao cấp nhưng lượng khách đến mua khá vắng. Đặc biệt, đối với những căn có ba phòng ngủ, diện tích 180 m2 thì gần như “không ai dám ngó tới”. Theo nhiều khách hàng, với giá trung bình từ 40 triệu đồng một m2 trở lên, một căn hộ ba phòng ngủ của dự án này có giá thấp nhất 5 tỷ đồng. “Không nhiều người có đủ khả năng mua căn hộ cao cấp này để ở hoặc đầu tư. Mặt khác, với số tiền trên, họ có thể mua một căn nhà phố “hoành tráng” ở các quận trung tâm”, anh Tuấn, một khách hàng, nhận xét.

Hàng loạt dự án căn hộ cao cấp khác cũng đang rơi vào cảnh “chợ chiều” dù liên tục đại hạ giá. Trong khi đó, phân khúc nhà bình dân dưới một tỷ đồng và căn hộ từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng khá sôi động, sức mua tăng nhưng lại thiếu hàng. Nghiên cứu của một số công ty cho thấy, hiện nay, đại đa số người có nhu cầu và đủ khả năng mua nhà trên dưới 500 triệu đồng, diện tích 50 - 130 m2. Rất ít người dân có thể mua nổi căn hộ diện tích trên 150 m2 với giá từ 1.300 USD một m2.

“Năm 2008, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào căn hộ cao cấp nên gây ra tình trạng “thừa mứa”, xây lên rồi để đó, không ai mua. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá rẻ và trung bình đang được đại đa số người tiêu dùng cần thì rất ít doanh nghiệp quan tâm”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho biết.

Có tiền là đầu tư


Một công ty nghiên cứu thị trường tại TP HCM cho biết, họ chưa từng nhận được một đơn hàng nghiên cứu thị trường nào từ các công ty bất động sản của Việt Nam. “Ở Việt Nam, thường chỉ những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng mới quan tâm đến công tác nghiên cứu thị trường trước khi thực hiện dự án mới”, đại diện công ty này cho biết.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty địa ốc Lê Thành, thừa nhận, khi làm dự án, công ty lấy lại những nghiên cứu thị trường đã có sẵn từ lâu chứ không điều tra thị trường cụ thể. Công ty cử nhân viên đến các sàn giao dịch bất động sản để thăm dò thị trường. “Chúng tôi không tin kết quả nghiên cứu của các công ty nên không thuê họ thực hiện”, ông Nghĩa nói.

Một số công ty bất động sản khác thì cho rằng, việc nghiên cứu tốn kém kinh phí, thời gian chờ đợi khá lâu và thừa nhận họ chưa có thói quen này. “Bằng “cảm quan” cũng thấy nhu cầu về nhà ở của người dân là rất lớn và ngày càng tăng”, Giám đốc một công ty bất động sản nói.

Ngược lại, những công ty bất động sản nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư đều nghiên cứu thị trường, nhất là điều tra nhu cầu nhà ở của người dân. “Nghiên cứu thị trường giúp chúng tôi nhận ra được xu hướng của khách hàng, qua đó sẽ thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu vả khả năng tài chính của họ”, đại diện một công ty nước ngoài nói.

Ông Nguyễn Nguyên Thái, Phó giám đốc công ty tư vấn bất động sản CBRE, cho rằng, từ trước đến nay, các công ty bất động sản Việt Nam thường “chỉ cần có tiền là làm dự án”. Thị trường căn hộ còn đầy tiềm năng nhưng cụ thể tiềm năng cỡ nào, bao nhiêu, nhu cầu thực sự và khả năng của người mua ra sao vẫn còn là ẩn số. "Nếu muốn dự án phát triển đúng hướng, các công ty bất động sản cần tìm hiểu kỹ những thông tin này", ông Thái nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

“Trước đây, các công ty bất động sản Việt Nam thường đầu tư theo kiểu “ăn theo” mà không làm bất kỳ một cuộc điều tra thị trường nào. Điều này đã tạo những cơn “nóng lạnh” thất thường, không theo quy luật. Khi thị trường “nóng”, các doanh nghiệp chạy đua làm dự án làm tăng nguồn cung, nhất là ở phân khúc căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã ý thức được tầm quan trọng của việc điều tra thị trường, họ bắt đầu thuê công ty độc lập giúp đánh giá tổng quan và nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng”.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt