Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam hiện phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.
“Nhạc trưởng” dẫn dắt thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Mặc dù năm 2018 được dự báo sẽ khó có biến động cực đoan tác động đến thị trường bất động sản nhưng nhiều “khiếm khuyết” cũ vẫn chưa được xóa bỏ. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan lập và hoàn thiện “Đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chứng minh, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt đầu từ khủng khoảng của thị trường bất động sản. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều rất quan tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, cũng như kiểm soát, điều tiết thị trường quan trọng này.
Thế nên, dù được đánh giá là có nhiều khởi sắc, lượng tồn kho giảm, một số phân khúc có mức tăng trưởng ngoạn mục, song thị trường bất động sản vẫn rất cần đến vai trò quản lý của nhà nước để tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững. Nhiều người từng ví von, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt thị trường đi đúng hướng, ông Ninh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, tại thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch. Do đó, một bộ phận thị trường phát triển tự phát và bị lợi ích nhóm chi phối.
Bởi vậy, giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp lý liên quan đến thị trường này; trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến đầu tư kinh doanh tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản dự kiến trình Quốc hội năm 2018. Cùng đó là nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị dự kiến trình Quốc hội năm 2019.
Trước mắt, để giải quyết các vấn đề liên quan đến tính pháp lý của các phân khúc bất động sản mới, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng và kinh doanh condotel, officetel.
Thời gian qua, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang phát triển mạnh đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được phát triển theo xu hướng bán và cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng, bán căn hộ khách sạn (condotel) theo thời hạn sử dụng đất được cho thuê (50 năm).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các dự án này được cấp phép xây dựng theo hình thức là căn hộ lưu trú nhưng không được hình thành đơn vị ở. Thế nhưng, phần lớn các dự án du lịch nghỉ dưỡng có vị trí đẹp, chủ đầu tư cam kết thuê lại với lợi nhuận khá hấp dẫn nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia mua.
Thị trường bất động sản du lịch đang khá sôi động tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh... với hàng chục nghìn căn hộ condotel đã và đang được đầu tư xây dựng.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với địa phương cần kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, condotel, officetel... để bảo đảm phù hợp với quy hoạch, cân đối cung cầu và tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Trước nhu cầu thực tế, một số thành phố lớn đã cho phép các nhà đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), với diện tích từ 25 - 50 m2/căn hộ để đáp ứng nhu cầu bố trí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên phạm vi địa bàn.
Riêng với loại hình nhà ở xã hội sẽ sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; gắn kết giữa dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại để bảo đảm sự đồng bộ về mục tiêu và khai thác sử dụng chung về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương phối hợp tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai những dự án có cơ cấu căn hộ vừa và nhỏ, giá cả hợp lý theo Chỉ thị 03/CT-TTg về đẩy đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án bất động sản, các địa phương cần xây dựng và ban hành Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể và phù hợp với đặc điểm riêng.
Việc công khai danh sách các dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ có vướng mắc về vấn đề pháp lý, có quyết định thu hồi dự án và những chủ đầu tư có sai phạm, năng lực yếu kém để người dân mua nhà ở biết được đánh giá là một trong giải pháp cần thiết nhằm tránh được rủi ro tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch mua bán nhà ở.
Và khi nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình diễn biến của thị trường thì cơ quan quản lý nhà nước mới kịp thời có các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái pháp luật - ông Ninh khẳng định.
Cùng đó, các dự án bất động sản chậm triển khai sẽ được rà soát thường xuyên để thực điều chỉnh giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc đình chỉ, thu hồi.
Điểm lại thị trường năm 2016 và 2017, ông Ninh khẳng định, bất động sản vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Phần lớn các giao dịch thành công là các hợp đồng mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư, lượng giao dịch thành công chủ yếu là tại các dự án căn hộ chung cư trung và cao cấp.
Các dự án có số lượng giao dịch và giá tăng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây đều nằm tại các khu vực trung tâm và các vị trí có hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Tuy không có biến động lớn gây “sốt” thị trường như những giai đoạn trước nhưng trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tại Tp. Hồ Chí Minh có hiện tượng tăng giá đất nền tại một số khu vực vùng ven như: Quận 2, Quận 9, Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ...
Giá đất nền tăng từ 10 - 20%, có khu vực tăng giá từ 30 - 40%, cá biệt có nơi giá tăng lên đến 70% so với năm 2016.
Bộ Xây dựng đã kịp thời chỉ đạo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh nắm bắt tình hình báo cáo UBND Thành phố triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường như: công khai thông tin quy hoạch tại các khu vực trên; công khai về tiến độ triển khai các dự án giao thông, các dự án hạ tầng và dự án bất động sản; tổ chức các đoàn kiểm tra việc kinh doanh bất động sản, chấn chỉnh việc chia lô bán nền trái quy định.
Đặc biệt, chính quyền các quận, huyện cần tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để người dân nắm rõ tình hình diễn biến của thị trường ... và kịp thời chấn chỉnh tình trạng tăng giá đột biến đất nền tại các khu vực “sốt ảo” theo quy hoạch.
Do đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp và đến nay, thị trường đã ổn định trở lại. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm tại các đô thị lớn - ông Ninh cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo BNEWS/TTXVN