Thay đổi vị trí cầu thang, phòng ốc mà không điều chỉnh giấy phép xây dựng vẫn bị phạt, bị đập.
UBND TP.HCM vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Xây dựng TP về hướng xử lý nhà xây sai phép sau ngày 1-7-2004. Theo đó, trong thời gian chờ sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, nhà không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) chỉ được cấp “giấy hồng” với điều kiện đã xử lý vi phạm xây dựng và chủ đầu tư công trình đã chấp hành quyết định xử lý này.
Sai một ly cũng không du di
Theo ý kiến của Sở Xây dựng trình TP, văn bản quy định các “trường hợp được phép thay đổi thiết kế mà không cần phải điều chỉnh giấy phép” chưa được chính thức phê duyệt và ban hành nên vẫn phải xử lý như mọi hành vi xây dựng sai phép khác. Nghĩa là, mọi công trình xây dựng không phân biệt sai phạm lớn nhỏ, hễ xây khác giấy phép xây dựng là phải xử phạt.
Kiến nghị của Sở Xây dựng dựa trên những văn bản hiện tại điều chỉnh lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, Luật Xây dựng và Nghị định 126/2004 đều quy định công trình xây dựng sai phép phải bắt buộc phải xây đúng giấy phép.
Gần nhất là Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị cũng quy định đối với công trình xây dựng sai nội dung giấy phép phải bị “lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép” (Điều 13). Các văn bản quy định về xử lý vi phạm trong xây dựng đều không phân biệt hành vi xây dựng sai giấy phép như thế nào thì xử phạt, buộc khắc phục hậu quả, sai như thế nào thì bỏ qua mà hễ sai là xử.
Không phân biệt là “quá nghiệt ngã”
Nếu mọi hành vi xây dựng sai phép đều phải bị xử phạt, buộc xây lại cho đúng giấy phép như các văn bản nêu trên thì sẽ có những trường hợp “quá nghiệt ngã” như lời bà Hồ Thị Kim Loan - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP nhận định.
Bà Loan nêu các trường hợp: Nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép, thay đổi thiết kế bên trong như đổi vị trí cầu thang, phòng ốc hoặc lố vài m2 nhưng hoàn toàn không vi phạm quy hoạch thì có cần điều chỉnh giấy phép không? Lỡ xây rồi thì có thẳng tay xử lý?
“Có lần xuống thực tế một căn nhà ở Tân Bình. Nhà này xây thêm một cái gác lửng nhỏ, nhẹ nhàng và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết cấu chịu lực nhưng quận vẫn kiên quyết tháo dỡ bởi nó không có trong giấy phép” - bà Loan kể.
Trên thực tế, có nơi rất nguyên tắc “Cứ theo luật mà làm”, như quận 12, hễ xây sai giấy phép là xử lý. Trong khi đó, một số nơi khác như Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp... thì linh động hơn. Chẳng hạn, việc thay đổi thiết kế bên trong, vị trí phòng ốc thì không bị xử phạt.
“Quan điểm của Thanh tra Sở Xây dựng là không quá cứng nhắc. Ví dụ, nhà xây ít hơn giấy phép, khỏi phạt. Thay đổi vị trí cầu thang, phòng ốc, khỏi phạt, khỏi điều chỉnh giấy phép xây dựng. Chúng tôi cũng trao đổi với 24 quận, huyện rất nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào còn tùy mỗi nơi. Bởi xét về luật thì rõ ràng hễ cứ sai giấy phép là phải phạt, bất kể là sai kiểu gì” - bà Loan cho biết.
Văn bản chưa có, nên chịu chết
Trước đây, Sở Xây dựng đã đưa vấn đề này vào dự thảo sửa đổi Quyết định 04/2006 về cấp phép xây dựng. Theo đó, với những công trình là nhà ở riêng lẻ, Sở liệt kê những trường hợp chủ đầu tư được tự thay đổi thiết kế mà không cần điều chỉnh giấy phép.
Sở này đồng tình rằng không buộc điều chỉnh giấy phép, không xử phạt những thay đổi thiết kế bên trong căn nhà miễn sao công trình vẫn đảm bảo đúng quy hoạch, mật độ xây dựng, tổng diện tích sàn sử dụng, số tầng... Tuy nhiên, dự thảo trên đã không được thông qua do phải chờ những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn có liên quan (Nghị định 16, Nghị định 112 về quản lý đầu tư xây dựng công trình) thay đổi trước.
Còn nhớ, giữa năm 2008, trong các cuộc họp góp ý về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 126, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cũng nhắc nhở các địa phương không được cứng nhắc khi xử lý công trình sai giấy phép xây dựng theo kiểu hễ sai là phạt, hễ lố là đập.
Mặc dù vậy, do không có văn bản nào cụ thể hóa quan điểm trên nên việc xử lý công trình sai phép vẫn tùy thuộc sự linh động của mỗi địa phương.
Căng theo luật mà xử thì rất khó
Trường hợp xây dựng sai phép nào nên “tha” cũng được quận Phú Nhuận kiến nghị với Sở Xây dựng từ giữa năm 2008. Theo quận này, thực tế có những trường hợp nếu căng theo luật mà xử thì quận thấy rất khó khăn nên phải ách lại. Ví dụ, chủ đầu tư xây dựng lố giấy phép chỉ vài m2, phần sai phép vẫn nằm trong khuôn viên, không ai tranh chấp, khiếu nại mà bị xử lý tháo dỡ thì có hợp tình?
Đơn cử, nhà số 536/1 Lê Văn Sỹ, phường 11 sai thiết kế 7,6 m2 hoặc nhà số 30/20B Đặng Văn Ngữ, phường 10, xây sai thiết kế tầng lửng với diện tích 3,8 m2. Tương tự là những công trình khi xây dựng có những sai biệt kích thước so với giấy phép như chiều rộng, chiều cao từng tầng nhưng chênh lệch rất ít, chỉ từ 0,05 m đến 0,2 m do trước đây hai nhà có khoảng hở nay được xây sát lại để chống thấm thì có nên xử lý?...
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP