Nhà tự phát làm “rách” mặt đô thị

Cập nhật 11/09/2015 14:09

Tình trạng người dân mua đất nông nghiệp để xây nhà, hay các khu nhà ở giá rẻ tự phát đang mọc lên ngày càng nhiều tại một số quận, huyện ở TPHCM khiến nhiều người e ngại việc làm này đang tạo ra những “vết dầu loang”, để lại những hậu quả không dễ khắc phục cho bộ mặt đô thị.

Phân lô đất nông nghiệp

Theo lời giới thiệu của một nhân viên môi giới bất động sản, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đến gặp bà N., chủ một khu đất nông nghiệp rộng khoảng 6.000 m² ở mặt tiền đường liên xã thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Bà N. ra giá bán đất là 2,2 triệu đồng/m², đồng thời mách nước cho khách hàng có thể xây nhà trọ cho thuê, hoặc phân lô bán nền cho nhiều người để kiếm lời. “Cứ yên tâm! Làm cái gì cũng có lời hết, phân lô bán nền có thể lời 1-2 triệu đồng mỗi mét vuông”, bà N. phác họa viễn cảnh kiếm tiền cho khách hàng.

Một khu đất nông nghiệp đang được rao bán tại huyện Hóc Môn, TPHCM.

Cũng tại huyện Nhà Bè, dọc các tuyến đường Nguyễn Bình, Phạm Hữu Lầu có hàng chục khu đất nông nghiệp đang được rao bán với giá từ 1,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/m². Dù hiện tại đang là đất nông nghiệp nhưng chủ đất luôn khẳng định với khách mua rằng có thể phân lô bán lại được hoặc xây nhà ở hay xây nhà trọ tùy ý.

Trong khi đó tại huyện Bình Chánh, hiện tượng phân lô bán nền đất nông nghiệp còn phổ biến hơn. Ông B., một người môi giới lâu năm ở khu vực này, cho biết các cò đất hoặc các doanh nghiệp bất động sản nhỏ thường tung quân đi “gom” đất nông nghiệp của người dân với giá chỉ trên dưới 2 triệu đồng/m², sau đó phân lô bán lại cho người khác với giá 4-5 triệu đồng/m² .

Ghi nhận thực tế cho thấy hiện tượng phân lô bán đất nông nghiệp tại huyện này thường rơi vào các điểm gần khu công nghiệp, có đông công nhân sinh sống như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Theo giải thích của ông B., sở dĩ có hiện tượng trên vì khách mua loại đất này chủ yếu là người có thu nhập thấp như công nhân, hoặc những doanh nghiệp tìm mua đất giá rẻ xây nhà trọ cho công nhân thuê mướn.

Có người rao bán những lô đất có diện tích 80-100 m², nhưng cũng có người treo bảng bán cả ngàn mét vuông đất nông nghiệp. Tìm đến một địa chỉ rao bán đất trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, người viết gặp bà Th., chủ lô đất trồng cây lâu năm rộng 85 m² nằm trong một con hẻm nhỏ. Bà chủ đất ra giá: “Bốn triệu rưỡi một mét vuông, nguyên lô 378 triệu đồng, không thương lượng”. Hỏi kỹ hơn mới biết, lô đất này có sổ chung với các lô đất bên cạnh, mà theo lời bà Th., là do bà tách thửa để bán. “Cứ việc mua đất xây nhà, sau chừng một năm tôi sẽ xin sổ riêng đàng hoàng”, bà Th. nói để khách yên tâm.

Bên cạnh đất nông nghiệp, các khu nhà liền kề có diện tích nhỏ, với giá bán khoảng 400-500 triệu đồng/căn cũng xuất hiện khá nhiều tại các huyện ngoại thành như Nhà Bè, Bình Chánh và Hóc Môn. Được biết, các khu nhà này do một vài cá nhân hoặc các công ty địa ốc nhỏ có quỹ đất nông nghiệp mua được giá rẻ trước đây, nay mang ra xây dựng, sau đó xin tách thửa và xin cấp sổ hồng cho từng căn nhà, hoặc một sổ chung cho hai căn.

Chẳng hạn, trong hẻm sâu nằm trên đường Nguyễn Bình ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè có một dãy nhà khoảng 10 căn, mỗi căn có diện tích sàn khoảng 30 m², với một trệt, một lửng. Hiện khu nhà này đã được người dân mua và chuyển đến ở gần kín chỗ. Mặc dù đã có đông người ở nhưng cơ sở hạ tầng tại khu nhà này lại chỉ dừng ở mức có điện, nước. Phía trước khu nhà là một bãi cỏ um tùm mà theo người mua nhà tại đây thì “nơi này sẽ được quy hoạch thành đường lớn và một khu vui chơi trong tương lai”. Tương tự, trên các tuyến đường nhánh của đường Trần Văn Mười thuộc huyện Hóc Môn cũng rải rác nhiều khu nhà phố mọc lên, thậm chí có chủ đầu tư còn đang xây các khu “chung cư” để làm nhà trọ.

Hạ tầng theo không kịp

Một cán bộ pháp lý ở huyện Nhà Bè cho biết, Luật Đất đai 2013 quy định đất phải được sử dụng đúng mục đích. Cụ thể, đất nông nghiệp phải được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, nếu sử dụng vào mục đích khác là trái quy định của pháp luật. Nếu người dân muốn sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích ở thì cần tiến hành thủ tục xin chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Song, vị cán bộ này cũng thừa nhận một thực tế là nhiều người dân vẫn tự ý phân lô đất nông nghiệp đem bán, còn người mua vẫn tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng câu chuyện phân lô đất nông nghiệp bán nền đã diễn ra cách đây nhiều năm. Việc xây nhà “lụi” trên đất nông nghiệp mang đến nhiều rủi ro cho người dân, ông Năm cho biết. “Hồ sơ pháp lý của khu đất do các chủ đất nắm giữ. Hơn nữa, không phải khu đất nào cũng được phép chuyển thành đất thổ cư, mà có xin chuyển được cũng không thể chuyển sang thổ cư toàn bộ khu đất nông nghiệp mà chỉ được một phần nào đó”, ông Năm cảnh báo.

Nói về tình trạng phát triển nhiều “dự án” nhà ở nhỏ lẻ mang tính tự phát, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng dẫu có được cấp phép xây dựng nhà ở và có sổ để bán cho khách hàng có thu nhập thấp thì cách này đang làm gia tăng tình trạng mở rộng đô thị theo kiểu “vết dầu loang”. Đó là chưa kể các trường hợp xây dựng các khu nhà trái phép trên đất nông nghiệp sẽ mang đến rủi ro lớn cho người mua.

Theo ông Châu, việc làm của các chủ đầu tư có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, có nhu cầu thiết yếu về nhà ở, song nó không phù hợp định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch và theo dự án. Cùng quan điểm, ông Năm cũng cho rằng, việc xây dựng các khu nhà tự phát tràn lan, phân lô đất nông nghiệp sẽ làm gia tăng dân số trong một phạm vi nhất định, trong khi cơ sở vật chất phát triển không kịp sẽ gây ra những xáo trộn lớn.

Trước tính hình trên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan không để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép, tách thửa đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đồng thời, ông Quân cũng giao chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu buông lỏng quản lý trên địa bàn, tiếp tục để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây nhà cửa trái phép.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT