Nhà trái phép trước 1-5-2009: Đập hay tha do quận, huyện quyết định

Cập nhật 17/09/2009 08:15

Thi công một nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Các quận, huyện vẫn còn lúng túng về cách thức “xóa án” nhà xây không phép, sai phép trước 1-5-2009.

Ngày 16-9, Sở Xây dựng TP đã tổ chức hội nghị tập huấn Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23 về xử phạt vi phạm trong xây dựng. Hầu hết ý kiến của các quận, huyện vẫn tập trung vào Điều 15 của thông tư - quy định cách giải quyết công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý vi phạm trước ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23 có hiệu lực) nhưng chưa xử lý dứt điểm.

Căn cứ vào thời điểm phát hiện

Thanh tra xây dựng (TTXD) huyện Bình Chánh thắc mắc: “Điều 15 ghi rõ là áp dụng cho trường hợp đã bị xử lý trước ngày 1-5-2009. Vậy trường hợp vi phạm trước ngày này mà chưa có quyết định xử phạt thì có được áp dụng Điều 15 hay không?”. Đây cũng là thắc mắc của nhiều quận, huyện khác.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn cho biết phải căn cứ vào thời điểm phát hiện vi phạm chứ không dựa vào thời điểm vi phạm. Nếu công trình vi phạm trước ngày 1-5-2009 nhưng giờ mới phát hiện thì áp dụng Nghị định 23. Sở Xây dựng đã hỏi và Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trả lời chính thức như vậy.

Chánh TTXD Hồ Thị Kim Loan cho biết thêm: “Vi phạm xảy ra trước ngày 1-5-2009, chưa được xử lý dứt điểm cũng được áp dụng Điều 15 của Thông tư 24 để xem xét cho tồn tại”.

Xây nhà trên đất nông nghiệp: Tùy địa phương

Đại diện huyện Bình Chánh hỏi tiếp: “Xây nhà không phép trên đất nông nghiệp có được cho tồn tại theo khoản 2 Điều 15 hay không?”. Trả lời, bà Loan cho biết Điều 15 ghi rõ là giải quyết cho những công trình vi phạm trước ngày 1-5-2009 đã được xử lý nhưng chưa dứt điểm. “Tức là những công trình đã có quyết định cưỡng chế nhưng rồi sau đó địa phương buông, không làm dứt điểm. Còn huyện Bình Chánh thì không phải vậy. Huyện đang lên phương án, tổ chức lực lượng ráo riết thực hiện triệt để những quyết định này, không phải ban hành xong rồi buông lỏng, để đó” - bà Loan giải thích.

Tuy nhiên, câu cuối cùng của Điều 15 quy định “khi xử lý phải xem xét từng công trình cụ thể”. Do đó, theo bà Loan, tùy theo hoàn cảnh, tình hình ở địa phương cũng như từng vi phạm cụ thể mà lãnh đạo quận, huyện sẽ quyết định cho tồn tại hay vẫn tiếp tục cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm này.

Lấn chiếm: Kiên quyết phá dỡ


Đại diện quận Bình Thạnh băn khoăn giữa khoản 1 và khoản 3 của Điều 15 dường như mâu thuẫn nhau. Khoản 1 cho công trình sai phép về số tầng, diện tích xây dựng nếu không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì được giữ nguyên. Khoản 3 lại buộc kiên quyết tháo dỡ nếu lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ. “Giả sử một công trình xây dựng lấn chiếm lộ giới nhưng vẫn nằm trong khuôn viên đất được công nhận, vậy đập hay tha?”.

Ông Phan Đức Nhạn khẳng định hai khoản này không chỏi nhau. “Phần nào lấn chiếm, tức sử dụng lố vào phần không thuộc quyền sử dụng của anh thì kiên quyết phá dỡ” - ông Nhạn giải thích.

Quận 12 hỏi về mẫu văn bản công nhận cho công trình được tồn tại khi áp dụng Điều 15. Đại diện Sở Xây dựng cho biết sẽ không ban hành biểu mẫu riêng cho Điều 15. “Trong vòng một tuần sau hội thảo này, Sở sẽ có văn bản trả lời các thắc mắc trên và gửi cho tất cả quận, huyện” - ông Nhạn cho biết thêm.

Vẫn chưa thật sự thấy suôn sẻ

Trao đổi bên lề với phóng viên, nhiều quận, huyện cho biết vẫn chưa thật sự thấy suôn sẻ khi triển khai áp dụng Thông tư 24, đặc biệt là quy trình, cách thức “xóa án” cho công trình vi phạm đã có quyết định phá dỡ trước đây.

“Tôi nghĩ vẫn nên có một trình tự nào đó, ví dụ như đơn cam kết tự phá dỡ phải có phường xác nhận chữ ký để đảm bảo tính pháp lý” - ông Lê Quang Thơ, Chánh TTXD quận Tân Phú, bày tỏ. Trong khi đó, quận Phú Nhuận cho biết có lẽ sẽ áp dụng thủ tục xin cứu xét. “Trước đây họ xin cứu xét, mình không cho. Nay có Thông tư 24 thì áp dụng giải quyết” - Chánh TTXD quận này, ông Nguyễn Như Hồng, cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP