Sở Xây dựng căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/2000 hoặc 1/500 để kiến nghị xem xét cho tồn tại hay buộc tháo dỡ nhà trái phép.
TP.HCM hiện có khoảng 11.000 căn nhà xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004 (thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực). Theo Nghị định 180 ngày 7.12.2007 của Chính phủ, mọi công trình xây dựng trái phép đều bị đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ.
Vậy những căn nhà đã xây dựng hoàn chỉnh nêu trên phải được tính sao? Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với báo giới về việc này.
Kiến nghị dựa vào quy hoạch chi tiết
* Theo Điều 120 Luật Xây dựng, những công trình trái phép sau ngày 1.7.2004 đều phải được tháo dỡ. Số phận hơn chục ngàn căn nhà nêu trên cũng không là ngoại lệ, thưa ông?
Tuy Nghị định 180 không đả động gì đến các công trình đã hoàn thành nhưng điều luật trên không đồng ý “xí xóa” cho những trường hợp xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004. Có điều nếu TP xử lý kiên quyết theo hướng này thì có nhiều công trình, đa số là nhà dân phải tháo dỡ. Việc làm này sẽ gây ra sự xáo trộn xã hội rất lớn.
Vì vậy, UBND TP đã giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu và trình Chính phủ hướng dẫn thêm một số nội dung chưa được Nghị định 180 đề cập đến.
* Như vậy, những nhà trái phép nói trên sẽ có cơ may được tồn tại?
Theo Nghị định 180, nhà nước sẽ căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/2000 hoặc 1/500 để xem xét cho tồn tại hay buộc tháo dỡ công trình. Sở cũng sẽ căn cứ vào quy hoạch để kiến nghị hình thức xử lý những công trình đã hoàn thành.
Nhà xây dựng trên đất ở đã có “giấy đỏ”; nhà xây dựng lại hoặc cải tạo trên nền nhà cũ; nhà xây dựng trên đất ở có đủ điều kiện được cấp “giấy đỏ” và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được tồn tại và được cấp giấy. Đối với những công trình xây sai phép thì phải tháo dỡ phần vi phạm.
Phân loại để xử lý
* Nhà không phù hợp quy hoạch thì phải đập bỏ ngay, thưa ông?
Tinh thần chung là phải xử lý tháo dỡ nhưng sẽ có sự phân loại. Nhà nằm trong vùng đã có quy hoạch chi tiết và chính quyền đang triển khai thực hiện quy hoạch thì phải tháo dỡ. Nhà không phù hợp quy hoạch chi tiết (nằm trong khu không phải đất ở hay khu dân cư) nhưng chưa triển khai quy hoạch thì được tồn tại tạm.
Nhà nằm trong khu vực chưa có quy hoạch chi tiết cũng được tạm tồn tại nhưng sẽ chưa được cấp chủ quyền. Khi nào có quy hoạch chi tiết, chính quyền sẽ áp dụng những quy định nêu trên để tiếp tục xử lý.
Trường hợp đất đã có quy hoạch chi tiết, đã triển khai thực hiện mà bà con quay trở lại tái lấn chiếm thì dứt khoát phải tháo dỡ.
* Trường hợp đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, được cha mẹ cho con cái xây nhà ra riêng thì có được công nhận hay không, thưa ông?
Sở sẽ kiến nghị UBND các quận, huyện nhanh chóng xây dựng quy hoạch chi tiết khu dân cư nông thôn làm cơ sở để xử lý vi phạm xây dựng. Trường hợp cha mẹ cho đất để con cái ra riêng, xây nhà trên đất nông nghiệp thì được chuyển mục đích sử dụng đất và cấp “giấy hồng”.
* Liệu TP.HCM có làm trái luật khi cho nhiều nhà trái phép được tồn tại?
Sở chỉ vận dụng những nguyên tắc của Nghị định 180 để kiến nghị xử lý những công trình đã hoàn thành chứ không phải tự ý du di, trái chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kiến nghị của Sở Xây dựng, còn quyết định như thế nào tùy thuộc vào UBND TP và Chính phủ.
* Xin cám ơn ông!
Theo Pháp Luật TP.HCM