Nhà thu nhập thấp giở mánh khoé, Phó chủ tịch Hà Nội nổi cáu

Cập nhật 31/07/2014 08:23

“Lúc thị trường lạnh thì các anh xin chuyển thành nhà thu nhập thấp, khi BĐS nóng lên lại chuyển sang nhà thương mại. Kiểu “câu giờ” này không ai lạ gì nữa đâu, các anh lo mà làm cho đúng đi”.


Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn “bắt bài” chủ đầu tư các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Nhà thu nhập thấp vẫn hoành tráng bể bơi, rạp chiếu phim…

Với chủ trương cho phép chuyển đổi mô hình, nhiều dự án trên địa bàn thủ đô đã chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà thu nhập thấp để được hưởng ưu đãi. Dù nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang chậm tiến độ, nhưng tại buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội sáng 30/7, các chủ đầu tư vẫn tự tin khẳng định sẽ đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp Thanh Lâm – Đại Thịnh do HUD làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, dù đã có đất sạch nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Dự án này có tổng diện tích 5,2 ha, với 6 tòa nhà 9 tầng. Hiện tại chủ đầu tư đang phối hợp với Sở QH&KT điều chỉnh lại quy hoạch. Mặc dù tiến độ đang rất chậm so với kế hoạch, song phía HUD vẫn khẳng định “chỉ là chậm trong giai đoạn đầu nhưng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2017 như kế hoạch đề ra”.

Còn với 2 tòa nhà thu nhập thấp ở khu đô thị Sài Đồng, chủ đầu tư Hanco 3 cam kết sẽ bắt đầu khởi công trong quý 4/2014, và sẽ hoàn thành trong quý 2/2016 với tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư của dự án còn khiến Sở Xây dựng nổi cáu ngay tại buổi làm việc vì ngây ngô đến mức làm ngược các quy trình về khảo sát, thăm dò, xin chủ trương đầu tư...

Một dự án khác ở khu Bắc An Khánh, với diện tích 18,5 ha cũng đang gây nhức nhối, vì dự án đã để “treo” rất nhiều năm nay gây rất lãng phí và làm xấu bộ mặt thủ đô.

Cũng có dự án, mặc dù chỉ là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhưng lại được đầu tư với các loại hình dịch vụ rất hoành tráng. Điển hình như ở Tây Nam Linh Đàm với 3 tòa nhà dành cho người có thu nhập thấp do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.

Về tiến độ, dự án tại Tây Nam Linh Đàm đang trong giai đoạn làm móng, đến đầu năm 2016 sẽ hoàn tất và bàn giao nhà. Phía chủ đầu tư cho biết dự án “không gặp khó khăn gì” và cam kết sẽ đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Mặc dù chỉ là nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng chủ đầu tư cho biết, dự án này sẽ được triển khai tương đương như nhà ở thương mại, với đầy đủ các dịch vụ khu vui chơi giải trí, bể bơi, rạp chiếu phim…

Lập đoàn kiểm tra liên hành để hậu kiểm

Với chính sách chuyển đổi, hiện Hà Nội đang có 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất. Trong lúc nguồn lực của TP đang khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn cho phép chuyển đổi từ nhà thương mại xuống nhà thu nhập thấp, mục đích để người dân hưởng lợi.

Tuy nhiên việc chủ đầu tư “ngâm” dự án quá lâu sẽ khiến chủ trương này mất đi giá trị. Phía Sở Tài chính đề nghị TP phải kiên quyết và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí mà người dân lại không được hưởng lợi. 

Có cùng quan điểm, Sở Xây dựng và Sở TN&MT Hà Nội đề nghị TP, nếu chủ đầu tư nào không đáp ứng được nhu cầu sẽ thu hồi dự án để chuyển sang cho chủ đầu tư khác làm.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị các DN khi đăng ký số lượng cũng như người tham gia mua thì phải chuyển danh sách lên Sở để đăng công khai trên website. Để đảm bảo sự minh bạch, ông Tuấn cũng đề nghị TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hậu kiểm xem việc mua bán đã đúng đối tượng chưa? Dự án có đảm bảo tiến độ không? Thực tế đã có những trường hợp có nhu cầu thực nhưng lại không mua được, ngược lại cũng có người đăng ký mua ở cả 2 dự án khác nhau.

Với nhiều chính sách ưu ái khi chuyển đổi mục đích sử dụng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các chủ đầu tư phải cam kết với TP về tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra các chủ đầu tư cũng cần phải xem xét kỹ, với nhà ở dành cho người thu nhập thấp thì có cần thiết phải có những dịch vụ cao cấp không.

Ông Tuấn cũng đồng tình với chủ trương, nếu chủ đầu tư nào không làm tốt sẽ xem xét thu hồi, và sẽ phải thu hồi 1 – 2 dự án để DN thấy Hà Nội “nói là làm”, chứ không phải nói rồi để đấy.

Phó Chủ tịch Hà Nội cũng đồng ý sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các khẩu, đặt biệt sẽ tập trung thẩm định về mặt tiến độ, tránh tình trạng DN lòng vòng “câu giờ” để kéo dài tiến độ.

“Lúc thị trường lạnh thì các anh xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà thu nhập thấp để hưởng ưu đãi. Nhưng lúc thị trường ấm lên lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời. Kiểu "câu giờ" để kéo dài tiến độ này không ai còn lạ gì nữa. Vì thế các anh tập trung mà làm cho đúng đi” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn “bắt bài”.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet