Trên 10 triệu đồng/m2 nhà ở thu nhập thấp chưa kể các khoản phí, thuế là mức giá quá cao đối với những người thu nhập thấp. Vì vậy,nhiều người mặc dù đã bốc thăm được nhưng không có tiền để nộp. Điều này trái ngược hẳn với mong đợi nhiều nhà quản lý và người dân.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa nhà ở, các cấp cơ quan quản lý nỗ lực hết sức để vận động nhiều doanh nghiệp chung tay xây dựng nhiều dự án nhà ở giá thấp bán cho người có thu nhập trung bình.
Ngay sau khi dự án thí điểm nhà ở thu nhập thấp CT1 Hà Đông được đưa ra với mức hơn 9 triệu đồng/m2 khiến cho nhiều người đổ xô đăng ký mua. Thế nhưng, chỉ sau đó vài tháng khi Hà Nội ồ ạt tung ra hàng loạt các dự án nhà ở giá thấp bán đại trà trong đó có dự án Đặng Xá, Sài Đồng, Kiến Hưng…thì tất cả các dự án đều trong tình trạng đó là không bán được hàng. Có những dự án mở bán đến lần 2, thứ 3 mà vẫn không nhận đủ hồ sơ thậm chí xóa bỏ bớt một số điều kiện mua nhà mà không thể bán được.
Theo phản ánh của rất nhiều người dân thì nguyên nhân chính của hiện tượng này là do giá nhà thu nhập thấp đã đưa ra mức giá quá cao trung bình 11- 13 triệu đồng/m2 . Xem ra mức giá này chỉ thấp hơn giá nhà ở thương mại tại một số dự án nằm ngoài vành đai 3, 4 một chút. Bên cạnh đó, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, vốn nhưng so với TPHCM, giá thu nhập thấp tại Hà Nội đắt hơn khoảng 3 triệu đồng/m2, Đà Nẵng đắt hơn 5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, theo tính toán của chủ đầu tư CT1 Ngô Thì Nhậm, với một căn hộ có diện tích trung bình 70m2, người mua sẽ phải trả hơn 600 triệu đồng. Với mức thu nhập của một công chức nhà nước 4 triệu đồng/tháng, trừ mọi chi phí và phải cực kỳ tiết kiệm, một năm sẽ để ra được 10 triệu đồng. Như vậy, để đủ tiền mua một căn nhà 70m2, sẽ phải tiết kiệm trong 60 năm. Và khi có được số tiền này, thì công chức này cũng bước vào tuổi ngoài 80. Như vậy, một người thu nhập thấp sẽ làm gì để có khả năng chạm tay vào nhà ở bán cho đối tượng chính là mình?
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan –Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp Hội bất động sản TPHCM cho rằng, đã có lần Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng phải ngạc nhiên giá nhà thu nhập thấp Hà Nội lại bằng giá nhà ở thương mại TP HCM. Với mức giá trên 10 triệu đồng/m2 là điều bất hợp lý . Bộ Xây dựng cần xem xét lại và phải nghiên cứu làm sao kéo giá nhà xuống để người dân có thể mua được nhà.
Theo phân tích của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, các doanh nghiệp của Việt Nam quen với quy luật đã tham gia thị trường bất động sản phải được siêu lợi nhuận nhưng tham gia đầu tư vào khu vực nhà thu nhập thấp thì chắc chắn không có nhiều lợi nhuận bởi bán cho người nghèo bao giờ lợi ích cũng thấp.
“Chúng ta làm nhà cho người thu nhập thấp nhưng vẫn lấy chuẩn theo những nhà cho người có nhiều tiền, diện tích vẫn là 40-50m2, nội thất vẫn phải có bếp, …trong khi đó, người thu nhập thấp vẫn có thể đun bằng than tổ ông. Vì vậy,đừng áp tiêu chuẩn kỹ thuật cao vào nhà có người thu nhập thấp. Giá thành càng hạ càng tốt thậm chí diện tích cần 30m2/căn hộ.., Các chủ đầu tư đang làm việc theo cách có sao làm vậy mà không tư duy sâu là người thu nhập thấp đang cần gì?. Họ có bao nhiêu tiền” ông Võ cho biết.
Còn theo đại diện một doanh nghiệp xây dựng, chúng ta đang có quan niệm nhầm lẫn về nhà cho người thu nhập thấp. Hàng loạt các dự án nhà ở thu nhập thấp chuẩn bị được triển khai nhưng các doanh nghiệp mới chỉ đang làm nhà thu nhập thấp theo kiểu, xây dựng tiêu chuẩn cao, hạ xuống một tý thành thu nhập thấp. Nếu làm nhà để người thu nhập thấp có thể mua được thì phải xây dựng dưới 5 tầng mới rẻ được. Việc các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở Việt Nam nhưng lại xây dựng trên 20 tầng là để kinh doanh chứ không phải dành riêng cho người thu nhập cao. Bởi xây càng cao, thì càng mất nhiều tiền cho thang máy và các dịch vụ khác. Nếu đã là căn hộ dành riêng cho người thu nhập thấp thì người thu nhập thấp lấy tiền đâu để trả cho những khoản phí.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia