Nhà thu nhập thấp: Chủ đầu tư và khách hàng cùng kêu khổ

Cập nhật 24/11/2011 09:05

Chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhằm giúp người có thu nhập thấp có chỗ ở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy nhiên, sau những háo hức, săn đón ban đầu thì nay các dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) đang rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều khách hàng đã đăng ký mua căn hộ nay làm đơn xin trả lại.

Khách hàng quay lưng với NTNT


Phải rất vất vả mới mua được NTNT. Thế nhưng, khi đã được quyền mua căn hộ rộng 70 m2 tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông) và đã đóng 30% giá trị căn hộ, anh Nguyễn Đình Toàn, hiện sống tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội lại thấy mình chẳng may mắn. Lý do mà anh Toàn đưa ra là anh không biết xoay đâu ra số tiền ngót 200 triệu đồng để đóng tiền đợt 2 cho chủ đầu tư. Vì vậy, theo anh Toàn, nếu không xin giãn được tiến độ nộp tiền, giải pháp cuối cùng của anh sẽ là xin rút lại hồ sơ mua nhà, chấp nhận bị phạt.

Còn chị Nguyễn Thị Yến, trú tại Sài Đồng (Long Biên) cho biết, trước kia, chị mừng bao nhiêu khi mua được căn hộ tại dự án NTNT Sài Đồng thì bây giờ, chị lại nản bấy nhiêu. Theo chị Yến, dự án NTNT Sài Đồng của Handico 5 nằm ở vị trí khá đẹp, không quá xa trung tâm Thành phố, nên khi được mua căn hộ tại dự án này với mức giá 13 triệu đồng/m2, chị thấy rất ưng ý. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi các dự án nhà ở thương mại liên tục giảm giá đi kèm với rất nhiều ưu đãi trong trong khâu thanh toán nhằm kích cầu thì những ưu đãi đối với căn hộ NTNT của chị hình như chẳng còn mấy ý nghĩa.

Theo chị Yến, hiện có nhiều người đã trả nhà cho chủ dự án. Vì vậy, nếu sắp tới, không thu xếp được tài chính để theo tiếp dự án, chị cũng sẽ tính tới chuyện rút hồ sơ, không tiếp tục tham gia mua nhà tại Dự án Sài Đồng!

Theo khảo sát của ĐTCK, lý do mà hầu hết khách hàng đưa ra để thoái vốn khỏi các dự án NTNT đều là không thu xếp được tài chính. Tuy nhiên, lý do này thật khó thuyết phục bởi trước khi đăng ký mua nhà ở xã hội, các khách hàng này đã phải tính toán khả năng thanh toán của mình. Lý do được nhiều người giải thích cho phong trào trả lại NTNT là ảnh hưởng tâm lý của những người mua nhà khi thấy giá nhà đất trên thị trường giảm.

Chủ đầu tư NTNT kêu lỗ

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5), chủ dự án NTNT Sài Đồng (Long Biên) thừa nhận, tình trạng khách hàng không còn mặn mà với NTNT, tìm cách trả lại căn hộ sau khi đã đăng ký mua đang diễn ra khá phổ biến. Dự án NTNT Sài Đồng, dự án nhà ở xã hội đầu tiên của Handico 5 có 420 căn hộ, vừa qua, một số khách hàng đã trả lại nên số căn hộ được tiêu thụ chỉ vào khoảng 300 căn, còn hơn 100 căn hộ vẫn chưa tiêu thụ được.

Lý giải nguyên nhân nhiều dự án NTNT đang rơi vào cảnh bị "bỏ hoang”, ông Can cho rằng, ngoài nguyên nhân thị trường BĐS trượt dài trong thời gian quá lâu, còn có một nguyên nhân khác là cơ chế bán NTNT có quá nhiều bất cập. Bởi theo ông Can, đối tượng muốn mua NTNT vẫn có nhiều, nhưng điều quan trọng là phải mở rộng để nhiều đối tượng có thể mua NTNT hơn. Vì vậy, ông Can kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội cho phép Handico 5 được chuyển số căn hộ còn lại được bán theo dạng thương mại để DN không bị đọng vốn.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ- UBND về việc ban hành quy định việc bán, cho thuê, mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị quy định, các cá nhân có hành vi gian dối về điều kiện để được mua NTNT thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở, còn bị buộc trả lại nhà đã mua.

Về việc khách hàng kêu giá NTNT quá cao, ông Can cho rằng, mức giá bán hiện tại của Dự án NTNT Sài Đồng, nếu tính toán kỹ cả trượt giá và lãi suất, DN lỗ chứ không có lãi, nên không thể giảm giá bán.

Cùng chung "nỗi niềm" với chủ dự án NTNT Sài Đồng, ông Nguyễn Văn Đa, Phó giám đốc CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cũng chia sẻ, dự án NTNT Kiến Hưng (Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư cũng đang bị nhiều khách hàng rút hồ sơ xin không mua nhà. Ông Đa cho biết, việc tham gia làm nhà ở xã hội của Vinaconex Xuân Mai, ngoài mục đích cung cấp nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, thì mục tiêu chính là tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên của Công ty. Với các dự án do Vinaconex Xuân Mai đã thực hiện và tiêu thụ hết cũng chỉ lãi khoảng 7 - 8%, chứ chưa đạt được 10% như mức Thành phố cho phép.

Dù không kiến nghị việc chuyển bán NTNT sang dạng nhà thương mại như một số DN khác, nhưng đại diện Vinaconex Xuân Mai thừa nhận, với chi phí xây dựng hiện đã rất cao trong khi đầu ra của NTNT gặp khó khăn nên dù có quỹ đất, Vinaconex Xuân Mai cũng phải cân nhấc thật kỹ phương án xây dựng nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán