Nhà thu nhập thấp: Chủ đầu tư khó mặn mà

Cập nhật 18/07/2011 11:10

Với giá bán tạm tính khoảng 11 triệu đồng/m2 như một số dự án tại Hà Nội vừa công bố trong khi việc vay vốn ngân hàng vẫn vô vàn khó khăn như hiện nay khiến chủ đầu tư khó mặn mà với những dự án nhà thu nhập thấp.

Khó khăn từ vốn

Theo nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp, tất cả những ưu đãi theo quy định như thuế, vốn và khoản tiền lớn nhất là đất “sạch”, chủ đầu tư sẽ không được tính vào giá thành xây dựng. Khi đó, giá bán nhà thu nhập thấp phụ thuộc vào thiết kế, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng và các chi phí phát sinh khác.

Với mức giá bán tạm tính khoảng 11 triệu đồng/m2 (bao gồm thuế VAT) như một số dự án Hà Nội vừa công bố, các chủ đầu tư cho rằng, nếu không phải chịu sức ép về vốn thì mới có được lợi nhuận cho chủ đầu tư là 10%. Đấy là trong trường hợp các chi phí khác như: thiết kế, vật liệu xây dựng, nhân công… đều được tính toán kỹ để có giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo.

Nhiều dự án nhà thu nhập thấp vẫn gặp khó khăn về vốn

Ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư tham gia hai dự án nhà thu nhập thấp là Ngô Thì Nhậm và Kiến Hưng cho biết, theo quy định, chủ đầu tư nhà thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhưng trên thực tế hầu hết các chủ đầu tư đều phải tự thu xếp vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi.

Trong khi đó, Nghị định 71/CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định rõ chủ đầu tư chỉ được thu tiền khách hàng khi xây xong móng nhà. Khó khăn càng nhân lên bởi loại hình nhà thu nhập thấp thường kéo dài thời gian xét hồ sơ để chọn đúng đối tượng. “Với sức nóng của lãi suất ngân hàng như thời điểm vừa qua, tất cả chi phí này đều trút lên giá nhà” - ông Huy khẳng định.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy kể từ khi Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị được triển khai vào quý I/2009, đến nay cả nước mới có 5 dự án nhà ở công nhân và nhà thu nhập thấp được vay vốn để thực hiện công trình với tổng số vốn 740,3 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ số tiền được giải ngân quá ít so với số vốn các chủ đầu tư đã bỏ ra là do những vướng mắc về thủ tục khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho phát triển loại hình nhà ở xã hội.

Tạo nguồn vốn để không chịu sức ép lãi suất

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù giá nhà thu nhập thấp đã được “tính đúng, tính đủ” nhưng nhiều người thuộc đối tượng này vẫn khó có khả năng mua được nhà bởi quỹ nhà còn thiếu và giá bán vẫn cao hơn tầm với.

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp lại cũng chưa hết khó khăn về vốn. Điều này đặt ra vấn đề cần phát triển một nguồn vốn nào đó để chủ đầu tư thì không chịu sức ép về lãi suất như hiện nay, còn khách hàng thì có đủ khả năng chi trả.

Rõ ràng, ở đây, loại hình thuê mua nhà thu nhập thấp được nhìn nhận là phù hợp với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, loại hình này sẽ không thể phát triển trừ phi nhà nước tự bỏ vốn đầu tư xây dựng như những năm bao cấp trước đây.

Bởi ngay cả với loại hình nhà thu nhập thấp mua đứt, chủ đầu tư cũng đã phải “dài cổ” chờ vốn ưu đãi, phải vất vả lựa chọn đối tượng để bán nhà và rồi lại tự phải giải quyết khi có khiếu kiện...

Mới đây, tại dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ cho phép hình thành Quỹ phát triển nhà ở.

Trong đó, nguồn vốn để hình thành Quỹ phát triển nhà ở sẽ căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương để thành lập, có thể từ các nguồn như tiền thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ngân sách địa phương hỗ trợ, huy động từ các nguồn hợp pháp các, tiền hỗ trợ hay đóng góp từ nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đặc biệt, phương án trích tối thiểu 10% từ tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại hay khu đô thị mới trên địa bàn cũng sẽ được tính đến.

Để không chịu sức ép về vốn và lãi suất, ông Huy cũng đã từng đề xuất rằng, trước nhu cầu rất lớn về nhà ở của người dân tại các thành phố lớn (không chỉ là những đối tượng chính sách), nhà nước có thể đứng ra làm chủ đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở và bán với giá thương mại. Sau đó, dùng số tiền lãi chênh lệch đó để xây dựng nhà ở xã hội.

Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, nhà nước cũng nên cân nhắc đến việc chỉ xây nhà ở xã hội theo loại hình cho thuê dành cho đối tượng có khó khăn về nhà ở, bởi những có thu nhập thấp thực sự thì khó có thể mua nổi nhà.

Hà Nội triển khai 11 dự án nhà thu nhập thấp

Tại cuộc họp bàn về công tác quản lý quỹ nhà cho các đối tượng chính sách, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trong số 11 dự án nhà thu nhập thấp đang triển khai, có 1 dự án quy mô 328 căn đã đưa vào sử dụng là chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông.

Bên cạnh đó, có 4 dự án đã khởi công xây dựng và nhận đơn mua nhà với tổng số gần 3,3 nghìn căn hộ tại Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên), Đặng Xá (huyện Gia Lâm). 6 dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thành thủ tục đầu tư để chuẩn bị khởi công trong thời gian tới.

Mặc dù đã có nhiều dự án đã và đang được triển khai nhưng nếu so với nhu cầu về nhà ở của cán bộ, công chức trên địa bàn thì còn rất hạn chế. Theo số liệu điều tra ban đầu do Cục thống kê Hà Nội cung cấp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách trên địa bàn thành phố rất lớn và cao nhất cả nước, vào khoảng 355.260 người, với một tỷ lệ lớn trong đó đang gặp khó khăn về nhà ở.



DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí