Việc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mở bán căn hộ với mức giá 10 triệu đồng/m2 thấp hơn giá nhà thu nhập thấp vốn được hưởng rất nhiều ưu đãi đã mở đầu có một cuộc cạnh tranh về giá.
Nhà thu nhập thấp đang bị cạnh tranh
Mấy ngày qua, thị trường bất động sản đã được hâm nóng khi một chủ đầu tư dự án chung cư Hà Nội công bố mức giá chào bán căn hộ 10 triệu đồng/m2. Không những thế, chủ đầu tư này còn hạ giá bán nhà cho 2.000 khách hàng mua trước đó từ mức 14,5 triệu đồng/m2 xuống còn 10-12 triệu đồng/m2.
Sau khi dự án công bố mức giảm giá này, nhiều khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở đã đổ xô đi mua và lượng giao dịch tăng đột biến. Điều này trái ngược hẳn với tình trạng ế ẩm của những dự án nhà ở thu nhập thấp.
Theo thống kê Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay Hà Nội đã có 6 dự án nhà thu nhập thấp hoàn thành và tổ chức bốc thăm, ký hợp đồng mua bán và đưa vào sử dụng với 3.750 căn hộ, bao gồm các dự án: Kiến Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá, Đại Mỗ và CT1 Ngô Thì Nhậm. Trong đó, với giá 8,8 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT), thì chỉ có dự án nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai nhanh chóng bán hết hơn 300 căn từ đợt chào bán đầu tiên.
Còn 5 dự án nhà thu nhập thấp đang triển khai và mở bán đều chật vật bán mãi không hết vì mức giá hơn 10 triệu đồng/m2 và vị trí ở quá xa. Đơn cử, dự án nhà thu nhập thấp Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng xây 515 căn nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 270 căn. Dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá cũng chỉ bán được 650 căn trong tổng số gần 950 căn...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà thu nhập thấp ế ẩm là do giá bán nhà là khá cao 12-13 triệu đồng/m2, không những vậy để mua được nhà thu nhập thấp người mua còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như sự rằng buộc về thời hạn chuyển nhượng....Chính vì vậy, khi các dự án căn hộ thương mại bình dân tại Hà Nội đưa về mức giá 10 triệu đồng/m2 đã thực sự thu hút được sự quan tâm của người mua nhà.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư cho rằng, nếu Nhà nước chấp thuận cho xây dựng nhà ở xã hội và được hưởng một số ưu đãi về mặt bằng, tài chính, thuế… Công ty này sẵn sàng bán căn hộ giá rẻ hơn hiện nay, dự kiến vào khoảng 7 đến 8 triệu đồng/m2.
Nhà thu nhập thấp có thể mất khách
Ông Phạm Thanh Hưng – Phó tổng giám đốc Cengoup cho rằng, nếu như chúng ta nhìn nhận việc cấu thành về giá thành xây dựng thì chỉ riêng việc được giảm giá đất đã cắt giảm được nhiều chi phí. Thậm chí, nếu có được chi phí vốn rẻ là một điều hết sức tuyệt vời. Trong bối cảnh các dự án nhà ở thương mại vẫn còn đang ở mức cao 20-30 triệu đồng/m2 thì việc đưa ra nhà ở thu nhập thấp với mức giá 12-13 triệu đồng là điều hợp lý bởi nhiều người cho rằng mức giá đó là rẻ. Tuy nhiên, mức giá đó đã cực rẻ hay chưa thì cần có cuộc nghiên cứu, đánh giá khách quan.
Còn việc giá nhà ở thu nhập thấp cao, các khách hàng không mặn mà là chuyện bình thường bởi có thể họ có phương án tốt hơn và thích hợp hơn để giải quyết nhu cầu của họ.
Việc giá nhà thương mại giảm mức 10 triệu đồng/m2 có thể làm cho dự án nhà thu nhập thấp bị mất khách hàng, mất nguồn cầu bởi nguồn cầu nhà thu nhập thấp đã được đáp ứng bằng một sản phẩm thay thế khác.
TS. Phạm Sĩ Liêm -Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, chúng ta phải tư duy lại, cũng là chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng ở đây không cứ xây nên các dự án dành riêng cho người có thu nhập thấp một cách máy móc bắt buộc, mà là tạo ra thị trường nhà ở giá rẻ thương mại phong phú cùng với cơ chế hỗ trợ vay tiền và cho các đối tượng (những người không có nhà ở hoặc nhà ở quá nhỏ và giai đoạn đầu là các công chức nhà nước) được phép tự do lựa chọn nhà ở trên thị trường theo khả năng, hoàn cảnh và nhu cầu của mình.
"Quan điểm của tôi không làm nhà chính sách mà làm phân khúc nhà ở giá rẻ. Nó là một loại nhà thị trường vì thế không cần Nhà nước hỗ trợ mà căn cứ vào cung cầu, tình hình cạnh tranh" - ông nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia