Nhà thầu Việt: Làm gì để giành lại lợi thế?

Cập nhật 03/06/2011 14:15

Các công trình chưa thể thi công được đã đành, nhưng ngay cả với nhiều công trình có đủ năng lực thực hiện, các nhà thầu Việt vẫn thua ngay trên sân nhà. Ngày 2/6, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức hội thảo "Nhà thầu Việt - cần gì để thắng thầu?", để phân tích mọi vấn đề, tìm cách giành lại lợi thế.

Thiếu tính chuyên nghiệp


Sau 25 năm đổi mới hội nhập, ngành xây dựng Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ. Lực lượng các nhà thầu trong nước đã phát triển nhanh chóng về số lượng và năng lực, tài chính, nhân sự và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học. Trước đây, khi thi công Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn hay Thuỷ điện Sông Đà phải thuê hàng nghìn chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cả về quản lý, thực hành và công nghệ, thì ngày nay, trên mọi lĩnh vực thi công phức tạp như công trình giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng đều do người Việt đảm nhận và làm chủ công nghệ. Nhà thầu Việt đã thi công các công trình nhà cao tầng từ lúc 25 tầng cho đến 40, 70 tầng rồi trên 100 tầng… Tuy vậy, các nhà thầu Việt hiện vẫn bị đánh giá là đang thua trên sân nhà. Một trong các nguyên nhân được xác định là chưa thực sự chú trọng đầu tư bài bản cho thương hiệu. Năm 2010, chỉ có Vinaconex và Hoà Bình Corporation là hai thương hiệu của ngành đạt danh hiệu "Thương hiệu quốc gia".

GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch VACC cho rằng, nguyên nhân gốc rễ là chất lượng đào tạo kỹ sư và kiến trúc sư ngày càng bị giảm sút. Chưa có một xã hội học tập, người kỹ sư, kiến trúc sư không phải học tập liên tục sau ra trường. Trong việc thực hiện một dự án có vai trò của nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, thi công, cung ứng vật tư, thiết bị, giám sát, huấn luyện và chạy thử. Các thành phần trên của doanh nghiệp trong nước chưa được chuyên nghiệp.

Ông Phạm Văn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long trăn trở: "Tôi có thắc mắc, các nhà thầu Việt Nam khi thực hiện dự án dưới sự điều hành giám sát của nhà thầu nước ngoài thường làm rất tốt và đạt được yêu cầu của chủ đầu tư, nhưng vẫn những con người đó, khi trực tiếp làm lại không đáp ứng được yêu cầu. Như vậy vấn đề ở chỗ nào?". Thiếu tính chuyên nghiệp là "lỗi lớn" của nhà thầu trong nước. Khi lập hồ sơ chào thầu, các nhà thầu Việt Nam thường không tính toán kỹ, chi tiết các yếu tố trong suốt quá trình dự án. Vì vậy, trong quá trình thực hiện dễ phát sinh các yếu tố làm tăng giá thành và thời gian. Một vấn đề nữa là công tác bảo hành sau khi dự án hoàn thành, nhà thầu Việt thường không làm tốt, không có bộ phận bảo hành chuyên nghiệp cho dự án. Khi chủ đầu tư yêu cầu thường triển khai rất chậm và hiệu quả kém làm mất niềm tin. Vấn đề bảo hành, nhà thầu nước ngoài thường thực hiện rất tốt.

Tạo điều kiện để nhà thầu Việt "lên tiếng"

Theo ông Phạm Văn Lộc, trước tiên, nhà thầu Việt phải tự xây dựng chiến lược và mục tiêu cho mình. Ngay từ những công trình nhỏ phải có phương án tổ chức, quản lý dự án tốt, tạo được tư duy làm việc khoa học để dần hình thành cái chất cần có của nhà thầu. Chúng ta đang thiếu phương pháp và tác phong làm việc khoa học có trách nhiệm của nhà thầu. Làm sao để chủ đầu tư thực sự yên tâm khi nhận sản phẩm của nhà thầu Việt làm ra.

Theo số liệu của VACC, phần lớn các nhà thầu Việt hạn chế về mặt tài chính. Các nhà thầu tư nhân thường vốn nhỏ từ nguồn vốn góp cổ phần, các nhà thầu lớn có nguồn vốn lớn nhưng do Nhà nước nắm giữ phần chi phối. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn này cần phải được sự phê chuẩn của rất nhiều bước nên mất nhiều thời gian. Hiện một số chính sách thuế, chính sách tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi về xúc tiến đầu tư, chính sách thuế, chính sách tín dụng, tỷ giá ngoại tệ… đã tạo nên sự không bình đẳng trong tham gia đấu thầu.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, năng lực cạnh tranh của từng nhà thầu không chỉ phụ thuộc vào thể trạng của chính họ mà còn phụ thuộc vào môi trường thể chế. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng, đặt trọng tâm vào phát triển các yếu tố sản xuất; tài trợ thành lập các tập đoàn tư vấn, thiết kế lớn có cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát xây dựng… Đồng thời cần kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta. Ban hành Luật Đầu tư công, trong đó đặc biệt ngăn ngừa tình trạng thanh toán dây dưa, gây thiệt hại cho nhà thầu.

"Ngành xây dựng thiếu rất nhiều những nhà quản lý và doanh nhân giỏi. Họ không giỏi làm sao có thể thu hút được các chuyên gia giỏi. Không có cầu thủ giỏi, làm sao có thể ghi bàn, dù trên sân nhà?"GS.TS Nguyễn Trường Tiến.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị