Nhà thầu thi công ẩu sẽ bị phạt nặng

Cập nhật 12/05/2013 07:28

Trước tình trạng các nhà thầu thi công cẩu thả, tái lập mặt đường qua loa, dùng vật liệu không chất lượng để cắt giảm chi phí, các khu quản lý giao thông đô thị kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cần tăng mức xử phạt để chấn chỉnh.


Do tái lập mặt đường ẩu nên năm 2010 tình trạng lún, sụp mặt đường liên tục xảy ra tại TPHCM - Ảnh: Anh Quân

Tại hội nghị nâng cao công tác đào và tái lập mặt đường diễn ra chiều 10-5, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho rằng tình trạng thi công ẩu là do đơn vị thi công không đủ năng lực.

Trong quá trình thi công, để tiết kiệm chi phí, nhiều nhà thầu đã sử dụng vật liệu tái lập mặt đường kém chất lượng, chỉ huy công trình thiếu trách nhiệm, chủ đầu tư khoán trắng công việc cho đơn vị thi công...

Để xử lý tình trạng này, ông Ninh kiến nghị cần phải có chế tài nặng hơn: đơn vị nào vi phạm hai lần sẽ bị ngưng cấp phép thi công và thay thế nhà thầu khác, hoặc không cho phép thi công trên địa bàn thành phố trong vòng 2-3 năm.

"Cần nghiên cứu tăng mức xử phạt cao hơn nữa, mức xử phạt hiện nay còn nhẹ nên các đơn vị thi công còn coi thường. Đồng thời, cần có quy định sau khi thi công xong, nhà thầu phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị quản lý nếu không sẽ không được cấp phép làm công trình khác", ông Ninh nói.

Đáp lại những nguyên nhân mà các khu đô thị nêu ra, một số nhà thầu cho rằng quy định của chính quyền thành phố buộc các nhà thầu chỉ được thi công ban đêm từ 20 giờ đến 5giờ sáng để không gây kẹt xe rất khó thực hiện bởi thực tế sau 20 giờ rất nhiều xe container bắt đầu ra vào trung tâm nên đến 22 hoặc 23 giờ công nhân mới bắt đầu đào đường để thi công, và đến 4 giờ sáng thì phải trả lại mặt đường.

"Thời gian từ lúc đào mặt đường cho đến khi tái lập chỉ có vài giờ đồng hồ. Không những vậy trong quá trình thi công, công nhân bị tác động bởi thời gian và vật tư bị dư thừa nên khó tránh khỏi việc sai sót", một nhà thầu lý giải.

Về những khó khăn của nhà thầu, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM cho biết, trong quy định không yêu cầu nhà thầu phải tái lập mặt đường ngay trong đêm, nhà thầu có thể đạy mặt đường bằng tấm thép để người dân có đường đi và hôm sau sẽ thi công tiếp.

Đối với những công trình sửa chữa lớn, cần nhiều thời gian chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể xin phép để Sở Giao thông tổ chức phân luồng tránh kẹt xe trong quá trình thi công.

Kết luận hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do việc thi công ẩu như ở đường Phạm Thế Hiển, Bà Hom... vì thế  các đơn vị cần phải tuân thủ quy định.

Do nhu cầu cải tạo và phát triển hạ tầng nên việc đào đường là không thể tránh khỏi, tuy nhiên chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết không gây bức xúc cho người dân.

Ông Cường cũng cho biết trong thời gian tới Sở GTVT TPHCM sẽ xây dựng và ban hành cơ chế xếp hạng năng lực ban quản lý dự án, chấm điểm tư vấn, nhà thầu như Bộ Giao thông Vận tải đã làm để loại bỏ những nhà thầu yếu kém ra khỏi dự án.

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết, trong năm 2012 thanh tra đã xử lý gần 1.100 trường hợp các nhà thầu vi phạm với số tiền phạt hơn 6,5 tỉ đồng.

Trong đó có 283 trường hợp không hoàn trả mặt đường theo đúng nguyên trạng ban đầu, 210 vụ đào đường không phép, 200 trường hợp đổ vật liệu tràn ra mặt đường gây cản trở giao thông, thi công không có biển báo 93 trường hợp...

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG