Chiều qua 15/8, các ngành, các quận, huyện của thành phố Hà Nội đã có buổi thảo luận rất sôi nổi nhằm tìm giải pháp khắc phục nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Văn Khôi, nhận định: “xới” vấn đề lên mới thấy khó xử.
Ít trường hợp tự nguyện hợp thửa
Ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho biết, trên đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có 77 miếng đất nhỏ lẻ. Cho đến nay mới vận động hợp khối được khoảng 40%. Số còn lại chưa thực hiện được, vướng mắc chính là ở chỗ những hộ có đất nhỏ lẻ đưa ra giá quá cao, khiến hộ liền kề không muốn mua.
Ông Học cho rằng, nếu thu hồi những mảnh đất nhỏ lẻ này để làm thảm cỏ sẽ không ổn vì đó là những mảnh đất méo mó, xẹo xọ, sẽ tạo cảnh quan xấu. Phương án làm bảng tin cũng không khả thi vì “chẳng nhẽ một tuyến đường có nhiều bảng tin đến vậy”.
Ông Học đề xuất: Chính quyền thu hồi những mảnh đất đó và đền bù cho người dân với giá sát hơn giá thị trường, sau đó bán lại cho hộ dân liền kề. Trong trường hợp có chênh lệch, khoản tiền chênh sẽ được sung vào ngân sách.
Nhưng ông này cũng nêu vướng mắc, hiện tại Chủ tịch UBND các quận không thể đưa ra quyết định thu hồi đất vì việc thu hồi chỉ được thực hiện khi có dự án.
Ông Thái Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết, riêng với dự án kè Hồ Tây đã có đến mấy trăm mảnh đất nhỏ lẻ. Với giá đất khoảng 100-130 triệu/m2 như hiện nay, việc giải quyết vấn đề là không hề đơn giản.
Theo ông Hạ, “hợp khối” như lâu nay vẫn nói là một từ mang tính đối phó với dư luận. Ông đưa ý kiến, Nhà nước phải đứng ra thu hồi với giá đền bù có hệ số cao, sau đó bán lại cho hộ liền kề... Tuy nhiên, ông Hạ chưa tính đến trường hợp hộ liền kề không chịu mua lại.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ có cùng quan điểm với ông Hạ về vấn đề giá đền bù. Thậm chí theo ông Thọ, giá đền bù các mảnh đất nhỏ lẻ nên tính theo giá mặt bằng mới mở đường.
Sẽ thí điểm một số tuyến đường mới
Ông Trần Đức Học cho rằng, việc mở đường gắn với quy hoạch tuyến phố ở những khu đông dân cư là khó thực hiện từ cả hai phía. Ông nêu ví dụ, tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, GPMB hết 600 tỉ đồng, nếu mở ra hai bên đường thêm 50m sẽ tốn khoảng 2.000 tỉ đồng - Nhà nước không thể bỏ ra được. Nếu chủ đầu tư làm thì ngoài 2.000 tỉ đồng trên, họ phải bỏ thêm khoảng 1.000 tỉ đồng để xây dựng - khó có nhà đầu tư nào dám xuất tiền để làm như vậy.
Về phía người dân, nếu GPMB để làm đường thì họ sẽ chấp nhận, nhưng nếu để cho chủ đầu tư làm dự án thì rất khó thuyết phục, dù họ được bố trí tái định cư.
Một giải pháp rất táo bạo được ông Nguyễn Khắc Thọ đưa ra: Vẫn làm đường như đã làm, nhưng sau khi hoàn thành sẽ xây một bức tường tại chỉ giới đường đỏ. Hộ dân nào muốn tiếp cận với mặt đường sẽ phải nộp tiền... Giải pháp này nhanh chóng bị ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP, gạt bỏ.
Ông Khôi cho rằng, cần phải có quy định cụ thể cho các bước đi khác nhau trong quá trình làm đường. Sau khi có quy hoạch 1/2.000, các hộ dân trong khu vực liền kề mở đường không được xây dựng. Khi đã có qui hoạch 1/500, chủ dự án đầu tư lên phương án đền bù, khuyến khích việc hợp khối với những diện tích nhỏ lẻ. Sau một thời gian nhất định, nếu các hộ không tự thoả thuận được, thành phố sẽ mua và bán lại.
Ông Khôi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với các ngành soạn thảo khung pháp lý để khắc phục nhà siêu mỏng, siêu méo, trong đó quy rõ trách nhiệm trong từng khâu của quá trình làm đường; đồng thời giao Sở thí điểm một số tuyến đường, thực hiện đồng bộ các bước đi.
Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhấn mạnh, các quận, huyện cần chủ động khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, không nên thụ động chờ quy chế mới.
>> Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng
>> Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào?
>> Khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội
>> Bế tắc với nhà siêu mỏng, siêu méo
>> Nghị trường 'sôi sục' vì nhà siêu mỏng
>> Nhà siêu mỏng trên tuyến đường tiền tỷ sẽ bị phá dỡ
>> “Hậu” thu hồi sẽ ra sao?
Theo Mạnh Cường, Phương Thảo - Dân Trí