Đó là những chủ đề "nóng" trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của thường trực HĐND với UBND thành phố Hà Nội về việc giải quyết kiến nghị của các cử tri về những vấn đê bức xúc trên địa bàn thành phố, chiều 6-4.
Tại buổi làm việc, các vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống hàng ngày của dân như đất đai, nhà ở, nước sạch, môi trường được đưa ra chất vấn rất gay gắt.
Có thuốc nhưng sao không chữa được bệnh?
Việc xử lý xây dựng “nhà siêu mỏng, siêu méo” đã được quy định UBND thành phố Hà Nội quy định rất rõ tại Quyết định số 276/QĐ-UB ngày 21-7-1997 và Quyết định số 26/2005/QĐ-UB ngày 18-2-2005. Tuy nhiên, thực tế những loại “nhà siêu mỏng, siêu méo” này vẫn tồn tại. Theo ý kiến của một thành viên đoàn giám sát, mặc dù có đầy đủ văn bản pháp luật, chỉ thị hướng dẫn thì ngày càng tăng nhưng “tại sao có thuốc mà không thể chữa được bệnh, hay thuốc đó chỉ là thuốc bổ”.
Điều quan trọng là phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía UBND trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cũng theo ý kiến của đại biểu này, đề án quy hoạch Hà Nội hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn bên ngoài, thời hạn quá ngắn trong khi trí tuệ, nhân lực thủ đô không thiếu. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho đề án quy hoạch sẽ bị chậm. Thậm chí có đại biểu còn cho rằng “tầm nhìn về quy hoạch của chúng ta có vấn đề”.
Hiện nay, nhà “siêu mỏng, siêu méo” không chỉ xuất hiện ở con phố sầm uất, thậm chí được “rao” là “đắt nhất hành tinh” ngay giữa lòng thủ đô mà cũng đã xuất hiện ở Đan Phượng, Hoài Đức. Theo UBND thành phố Hà Nội, giải pháp để xử lý tình trạng này là xử lý triệt để, dứt điểm. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để trình trạng này tái diễn. Đối với vấn đề quy hoạch, giải phóng hai bên tuyến đường giao thông, sẽ đưa hết các diện tích bất hợp lý vào diện thu hồi, đền bù giải toả. Đối với những trường hợp không được phép xây dựng thì khuyến khích người dân tự nhận chuyển nhượng.
Ông Lê Quang Nhuệ - Phó chủ tịch thường trực HĐND cho rằng, giải pháp thi công hai bên mặt đường đối với loại nhà này là không hiệu quả và tính đến thời điểm này thì chưa có bất cứ dự án nào làm được. Mà nếu có làm được thì tính ra cũng bị lỗ. Có người dân giải trình về nhà siêu mỏng của họ rằng, họ hoàn thiện nhà sau khi bị phá đi nên chỉ có thế chứ không phải là xây nhà siêu mỏng, siêu méo. “Hoàn thiện gì mà xây hai tầng trên diện tích đó, chắc chỉ Việt Nam làm được”, ông Nhuệ nói.
Trả lời về vấn đề này, đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc mở đường, cải tạo trên các tuyến phố khiến việc phát sinh những ngôi nhà mỏng, méo là tất nhiên. “Thời Pháp thuộc, ở phố Lương Văn Can cũng có khá nhiều những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy đấy chứ”. Giải pháp cho hiện trạng này hiện nay là khi đền bù diện giải toả, thu hồi không nên để lại các phần đất nhỏ lẻ, méo mó, không đảm bảo diện tích sử dụng.
Dự án, quy hoạch... “treo” mãi
Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, việc xử lý các dự án, quy hoạch không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hay còn gọi là dự án, quy hoạch “treo”, tính đến thời điểm hiện tại còn quá chậm. Mặc dù đây là việc khó vì động chạm đến nhiều cơ quan. song UBND cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp xử lý hiệu quả, đặc biệt là đối với các dự án đã tồn đọng quá lâu, bốn năm năm nay, chứ không thể cứ gia hạn một năm vì tính khả thi không cao.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến nay, mới thu hồi được đất của 11 dự án “treo” trong khi còn rất nhiều dự án chưa thể xử lý. HĐND yêu cầu UBND nên đưa ra con số chưa xử lý được và biện pháp giải quyết cụ thể trong thời gian tới là gì.
Ông Lê Quang Nhuệ cũng cho hay, hiện nay cử tri bức xúc rất nhiều đối với các dự án, quy hoạch “treo” vì đất giao cho doanh nghiệp từ lâu với giá rẻ, họ không có đất sản xuất nhưng doanh nghiệp chậm triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư có dự án chỉ vì ‘quen, thân” hay “chạy” được dự án rồi bỏ đó để giữ đất trong khi những nhà đầu tư có nhu cầu thật sự thì lại đành chịu. Một vấn đề mà cử tri đặt ra ở đây là đối với các dự án đã được duyệt mà bị “treo” thì trách nhiệm cơ quan nhà nước ở đâu, niềm tin của dân sẽ đặt vào đâu?
Sẽ chỉ 450 tỷ hỗ trợ xử lý ô nhiễm 30 làng nghề
Ô nhiễm làng nghề và vấn đề xử lý rác thải cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Hiện thành phố có 1270 làng có nghề, nhưng cũng có rất nhiều làng bị ô nhiễm nghiêm trọng. UBND thành phố dự kiến chi 450 tỷ từ ngân sách để hỗ trợ cho 30 làng nghề nhằm xử lý ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thanh Vân – Bí thư huyện uỷ huyện Ba Vì, UBND cũng cần có chính sách đối với vấn đề ô nhiễm trong dân cư, hỗ trợ nông dân ở nông thôn vì “hiện nay bất chấp luật lệ, chính quyên, dân cứ tự xả rác thải ra đường, miễn không phải là trong nhà mình là được”. Ô nhiễm môi trường sống không chỉ bắt nguồn từ các chất rác thải mà còn bắt nguồn từ chính ý thức của người dân.
Nếu có tài chính, có chính sách nhưng cứ hết đề án rồi lại “đâu đóng đấy” thì bao tiền của cũng đổ ra sông, ra biển mà ô nhiễm thì ngày càng tăng hơn. Ông Vân nhấn mạnh, UBND nên co chính sách khuyến khích và buộc người dân phải giữ môi trường sạch kiểu “làm từ nhà ra ngõ” chứ không thể cứ chung chung.
Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo kế hoạch đến hết năm 2010 này, 100% làng nghề tại Hà Nội sẽ có quy chế về quản lý môi trường, đưa các cơ sở lớn ra khỏi làng nghề cũng như ban hành quy chế bảo tồn làng nghề.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân