Nhà phố tối đa 5 lầu

Cập nhật 23/05/2010 09:10

Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM) vừa hoàn tất nghiên cứu thiết kế nhà ở, dự án dọc tuyến đại lộ Đông- Tây để lấy ý kiến chuyên gia. Nghiên cứu này liên quan đến hơn 27.000 hộ dân thuộc tám quận, huyện và hàng trăm doanh nghiệp.


Ngổn ngang khu nhà dân góc đường Nguyễn Văn Cừ và đại lộ Đông - Tây, Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.


Hiện nay tuyến đại lộ này có nhiều nhà siêu mỏng, nhà “hộp quẹt”, kiến trúc lổn nhổn. Những ai quan tâm đến kiến trúc của tuyến đường xuyên qua trung tâm TP này và những người trong cuộc đều kỳ vọng vào nghiên cứu nói trên.

Dân xây nhà thế nào?

Có gần 16.000 căn nhà lụp xụp trong tổng số khoảng 27.500 căn nhà dọc khu vực đại lộ Đông - Tây, số còn lại nhà khang trang hoặc tương đối khang trang. Ngoài ra, còn có hơn 130 cơ sở nhà xưởng, mặt bằng kho bãi với diện tích lên đến hàng trăm ngàn mét vuông.

Về tầng cao, nghiên cứu trên đề xuất tạo thành đường viền đô thị, công trình cao nhất bắt đầu từ lõi trung tâm TP và thấp dần về hướng Bình Tân - Bình Chánh: từ tòa nhà M&C Tower (quận 1) 40 tầng (hậu cảnh là tòa nhà Bitexco 68 tầng), dự án khu phức hợp P.Cầu Kho 50 tầng và các khu khác tại Q.1 từ 20-25 tầng. Sang Q.5 vẫn giữ nhịp điệu từ 20-25 tầng, đạt đến 54 tầng tại khu Nhà máy điện Chợ Quán. Tầng cao tại Q.6 từ 25-35 tầng, tại Bình Tân từ 20-25 tầng.

Với nhà phố liên kế: nhà khang trang thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo đủ điều kiện cấp phép xây dựng được xây tối đa 5 lầu, 1 trệt. Nhà phố tại khu dân cư hiện hữu không đủ điều kiện cấp phép xây dựng chỉ được xây, sửa chữa theo nguyên trạng hoặc cho xây 1 trệt, 1 lầu.

Nhà phố khang trang tại khu dân cư hiện hữu cải tạo tọa lạc tại mặt tiền đại lộ Đông - Tây, quận huyện lập bản vẽ, quy chế cấp phép xây dựng thống nhất về hình thức kiến trúc, màu sắc, tầng cao, khoảng lùi cho từng ô phố với tầng cao tối đa 5 tầng, 1 trệt.

Nhà dạng nghiên cứu bảo tồn chỉ bảo tồn theo nguyên trạng hoặc bảo tồn mặt tiền.

Các khu quy hoạch xây dựng mới (khu nhà ở lụp xụp, hạ tầng kỹ thuật kém) chờ dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch. Trong thời gian chờ triển khai chỉ được sửa chữa hoặc xây tạm theo nguyên trạng. Nhà không đủ quy mô, kích thước theo quy định được sửa chữa nhỏ theo nguyên trạng.

Những công trình riêng lẻ quy mô lớn sẽ được xem xét từng dự án theo nguyên tắc hài hòa với mỹ quan, kiến trúc khu vực.


Những kiểu kiến trúc lộn xộn dọc đại lộ Đông - Tây (ảnh chụp tại ngã ba Hàm Tử - Nguyễn Thi, Q.5, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Giữ hình ảnh “trên bến dưới thuyền”

Theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP, tuyến đại lộ Đông - Tây có nhiều công trình giúp khai thác du lịch như: bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, các trụ sở (ngân hàng, công ty chứng khoán...), khu thương mại (các chợ Hòa Bình, Bình Đông, Bình Tây, Kim Biên...), có thể hình thành những trục đi bộ, khu mua sắm.

Những sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” thời xưa hiện vẫn còn ở bến Bình Đông, kênh Đôi, kênh Tẻ, là yếu tố hấp dẫn du khách. Khu vực rạch Ruột Ngựa (Q.8) còn nếp sinh hoạt đậm chất nông thôn, có hàng dừa bên sông, nhà trệt thấp thoáng, với lau sậy, dừa nước, ao sen, ghe thuyền cập bến là những hình ảnh quê hương cần gìn giữ.

Theo kế hoạch, trên tuyến đại lộ này sẽ xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 1 (tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn - bến xe miền Tây) và dự kiến đặt phía ven kênh của đại lộ. Các đoạn thuộc rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Ruột Ngựa... sẽ nghiên cứu các tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch.

Nghiên cứu nói trên cũng đề xuất phục dựng một vài đoạn phố của Sài Gòn xưa, dựng các hình ảnh (tượng) sinh hoạt xưa, tổ chức các chuyến đi bộ mua sắm tham quan liên hoàn với bến Nhà Rồng, công viên hai bờ rạch Bến Nghé, khu cột cờ Thủ Ngữ, công viên Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ và ngắm cảnh về đêm...

Tạo những điểm nhấn kiến trúc

Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, nên nghiên cứu tạo thành điểm nhấn về kiến trúc trên đại lộ Đông - Tây. Để việc thiết kế có hiệu quả, theo ông Lưu, nên chia thành từng cụm khu vực để nghiên cứu, sau đó kết nối cho toàn tuyến và làm theo hình thức cuốn chiếu.

KTS Lưu Trọng Hải lưu ý nên tìm mọi cách khai thác rạch Bến Nghé, các tuyến kênh xung quanh để biến khu vực này trở thành những nơi sạch đẹp, vừa là nơi du ngoạn, vừa tạo thành tuyến giao thông thủy, giảm áp lực cho các tuyến đường xung quanh hiện khá ngột ngạt.

Ông Hải cũng đề nghị nên nghiên cứu khôi phục một số kiến trúc cổ trên đường Trần Văn Kiểu và không nên “động” đến các công trình thời Pháp trên đường Bến Chương Dương vì đây là dãy kiến trúc hiếm hoi còn sót lại của thời “trên bến dưới thuyền”.

Theo ông Hải, không nên sử dụng toàn bộ các khu đất nhà xưởng ở khu vực đại lộ Đông - Tây để xây dựng các công trình cao tầng mà ưu tiên cho các công trình công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, khu thể dục thể thao và mỗi công trình nên đầu tư thành một điểm nhấn về kiến trúc có tầm cỡ khu vực.

“Với nhà dân, nên thiết kế từng kiểu kiến trúc khác nhau cho từng đoạn, dãy nhà với đường nét hài hòa, đa dạng. Tương tự các bến, ga của tuyến xe điện mặt đất như một công trình kiến trúc, tô đẹp thêm cảnh quan xung quanh. Đoạn thuộc Bình Tân, Bình Chánh còn nhiều đất nông nghiệp cố gắng giữ lại, tạo thành những khoảng xanh ruộng vườn, thoát khỏi tầm nhìn của bêtông cốt thép ở các quận trung tâm...” - ông Hải đề xuất.

Theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP, tuyến đại lộ Đông - Tây dài gần 21km, từ nút giao thông xa lộ Hà Nội (ngã ba Cát Lái, Q.2) đến nút giao thông quốc lộ 1A (Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) và qua tám quận huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Phạm vi nghiên cứu thiết kế đại lộ Đông - Tây mỗi bên từ 100-150m, diện tích khoảng 628ha.

Hiện có 34 đường lớn nối đại lộ Đông - Tây tạo thành ngã ba và 11 tuyến đường giao vượt kết hợp cầu qua sông.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO