Nhà ở xã hội “vướng” đất sạch và lợi nhuận

Cập nhật 30/01/2010 14:50



Quy định về lợi nhuận chưa khuyến khích doanh nghiệp tính toán để hạ thấp giá thành.
Quy định về lợi nhuận cho doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội còn hạn chế, quỹ đất “sạch” nhiều nơi thiếu trầm trọng - đó là những vấn đề nổi cộm sau một năm triển khai dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 65, 66, 67 về nhà ở xã hội, mở ra nhiều cơ hội có nhà ở cho các đối tượng là học sinh - sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại đô thị.

Cũng từ đó, cụm từ nhà ở xã hội trở nên quen thuộc hơn đối với dư luận khi hàng loạt các dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng và hy vọng sẽ tạo được nguồn cung dồi dào về nhà ở cho nhu cầu đang bức thiết hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2009 đã có hàng trăm dự án nhà ở xã hội được khởi công. Riêng đối với nhà ở dành cho sinh viên, đã có 88/95 dự án được khởi công với tổng số vốn trái phiếu chính phủ dành cho trong năm 2009 đã đạt tới 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai các chính sách về nhà ở xã hội, nhiều vấn đề vướng mắc đã nảy sinh.

Tại hội thảo “Nhìn lại 1 năm thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp” do Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quỹ đất “sạch” dành cho nhà ở xã hội trên nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM đang hết sức thiếu.

Mặc dù địa phương nào cũng cam kết sẽ dành cho nhà ở những ưu tiên về đất đai, nhưng với tình trạng thị trường BĐS và tài nguyên đất đang nóng bỏng như hiện nay, không ít dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp cảnh thiếu quỹ đất trầm trọng.

Bên cạnh vấn đề về đất đai, thì việc bố trí nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó. Ngoại trừ các dự án nhà ở xã hội dành cho sinh viên, ăn theo nguồn vốn trái phiếu chính phủ, thì các dự án khác đều trông chờ vào vốn xã hội hóa, tức là nguồn vốn từ doanh nghiệp.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án nhà ở xã hội, khi đối tượng thụ hưởng đều là người có thu nhập thấp, khả năng thu hồi vốn chậm.

Đấy là chưa kể đến việc quy định “đổ đồng” doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi nhuận 10% trong dự án nhà ở xã hội có nhiều hạn chế. Thứ trưởng khẳng định, quy định này không khuyến khích các doanh nghiệp tính toán để làm sao hạ thấp giá thành sản phẩm vì dù là giá nhà 6 triệu đồng hay 8 triệu đồng/m2 thì lợi nhuận cũng như nhau…

Chưa hết, nhà ở xã hội cũng gặp phải hội chứng cải cách hành chính. Đối với các Nghị quyết 66, 67, tức là nhà ở xã hội dành cho 2 đối tượng: công nhân tại các KCN và người có thu nhập thấp tại đô thị, Bộ Xây dựng đã có tới 6 thông tư hướng dẫn thi hành.

Trong đó có những thông tư, như ông Nam chia sẻ, hết sức thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà ở xã hội. Thế nhưng cho đến hiện tại, việc xây dựng, triển khai cũng như bán nhà ở xã hội vẫn đang khó khăn nhiều do sự chưa rõ ràng của chính sách.

Nhiều địa phương còn chưa có sự chuyển biến tích cực, thậm chí là gây khó khăn cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn…

Sau 1 năm thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, có thể thấy rằng đây là những chính sách mang nhiều chất nhân văn, hướng tới những đối tượng nghèo và đang gặp khó khăn nhất của xã hội về nhà ở.

Tuy khoảng thời gian 1 năm không thể đủ dài để đưa một chính sách trở nên hoàn hảo. Sẽ còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh để các chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ được đúng đối tượng.

Thế nhưng, 1 năm với hàng trăm dự án nhà ở xã hội được triển khai, có thể thấy đây sẽ là thị trường nhiều tiềm năng, tạo thêm nguồn cung về nhà ở, nhu cầu đang rất thiếu của người dân, cho xã hội.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí