Với mức giá bán khoảng 13 triệu đồng/m2, nhiều dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp có giá cao hơn nhà ở thương mại tới 2-3 triệu đồng/m2 và rất khó bán.
Cầu vẫn thấp hơn cung
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 11 dự án đầu tư xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, với hơn 11.000 căn hộ. 5 dự án là Kiến Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá, Đại Mỗ và CT1 Ngô Thì Nhậm hiện đã hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn ký hợp đồng mua bán. Mức giá bán hiện tại của các dự án này dao động từ hơn 10 đến 13 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trên thị trường đã xuất hiện một số dự án nhà ở thương mại có giá bán thấp hơn, chỉ 10 triệu đồng/m2. Vì thế, không ít dự án nhà ở xã hội đã lâm vào tình trạng không có người mua.
Điển hình là Dự án Nhà cho người thu nhập thấp của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Handico 3) tại Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Sau hơn một năm mở bán đến nay, mới chỉ có 280 căn hộ được bán, cho dù Dự án có tổng cộng 420 căn. Căn hộ của Dự án chỉ có giá bán 13 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT) và việc đóng tiền được chia làm 7 đợt, song dự án vẫn khá ế ẩm.
Ông Triệu Văn Dư, Phó giám đốc Công ty Handico 3 cho biết: “Giá bán trên đã tính đúng, tính đủ theo các quy định và không thể bớt được nữa ở bất kỳ hạng mục nào”.
Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex cũng nêu ra tình trạng sau khi hạ giá thì một số dự án căn hộ thương mại có bán giá thấp hơn cả nhà dành cho người thu nhập thấp. Vì thế, việc bán căn hộ của dự án nhà ở xã hội đã khó lại càng khó hơn.
Loay hoay tìm lối ra
Vấn đề đáng quan tâm quanh câu chuyện trên là số phận của gần 10.000 căn hộ thuộc các dự án nhà dành cho người thu nhập thấp sẽ ra sao, nếu không thể cạnh tranh về giá với các dự án nhà ở thương mại và chủ đầu tư phải làm gì để cải thiện tình hình?
“Tôi luôn quan niệm, nhà dành cho người thu nhập thấp thì giá thấp, nhưng vẫn phải đầy đủ mọi tiện ích với chất lượng đảm bảo, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh cởi mở với dự án nhà ở thương mại”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera nói và cho rằng, sau khi triển khai Dự án Đặng Xá 1, căn cứ vào những nhu cầu tiếp nhận, chủ đầu tư đã điều chỉnh diện tích mỗi căn hộ nhà ở của Dự án Khu Đặng Xá 2 xuống còn tối thiểu 30 m2, thay vì 55 m2 như giai đoạn 1. Như vậy, tổng giá thành căn hộ đã giảm đi đến gần một nửa để phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo của đơn vị này tiết lộ, sau khi đã tính đủ mọi yếu tố như ứng dụng công nghệ mới, giao vật liệu đến chân công trình… vào giá thành, thì giá bán cũng khó thấp hơn 9,4 triệu đồng/m2.
Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, để phần nào có thể giảm giá bán, Chính phủ cần xem xét đề xuất chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp một cách hợp lý, đồng thời đề xuất miễn các loại thuế cho người mua nhà. Người mua nhà cũng được phép thế chấp căn hộ mình mua để vay vốn. Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung quy định nhà ở xã hội, như cao không quá 6 tầng, diện tích cho mỗi căn hộ chỉ dao động từ tối thiểu 30 m2 sàn đến tối đa 60 m2… Ngoài ra, cũng cần thay đổi quy định và đối tượng mua nhà để tránh tình trạng nhiều người có nhu cầu, nhưng lại không đủ điều kiện tham gia.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, doanh nghiệp cần nghiên cứu các mô hình quản lý để người có thu nhập thấp được thụ hưởng tối đa các dịch vụ tiện ích, nhưng chi phí ở mức thấp nhất, thậm chí thấp hơn giá trần mà Thành phố quy định.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc khơi thông cho các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải cơ cấu lại các dự án, sản phẩm để tăng các loại nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp thuộc các đối tượng nhà ở theo chính sách xã hội như trong Chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bộ Xây dựng sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước mở rộng cho vay đối với nhà đầu tư, người mua nhà để ở, đặc biệt là người mua nhà xã hội để ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư