68% người lao động đang làm việc ở các quận mới hoặc khu vực ngoại thành TPHCM, nhưng vẫn có nguyện vọng đăng ký mua nhà ở xã hội trong khu vực nội thành. Chỉ có đối tượng tái định cư chưa có nhà ở và đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mới có nguyện vọng chuyển về khu vực quận mới và các huyện ngoại thành sinh sống.
Ảnh minh họa
|
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang còn khoảng 476.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong số này còn có gần 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức và có khoảng 13.000 hộ bị giải tỏa, di dời nhưng không đủ điều kiện bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại…
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng thành phố, trong vòng 10 năm qua thành phố mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), với hơn 48.000 căn hộ.
Việc đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngân sách cho cán bộ, công chức thành phố là rất ít do Nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách về nguồn vốn để đầu tư xây dựng NƠXH cũng như các chính sách hỗ trợ cá nhân vay vốn ưu đãi mua nhà.
Do đó, trong khoảng thời gian khá dài trên, cả thành phố mới chỉ có 12 dự án NƠXH với quy mô 3.768 căn hộ được hoàn thành và phân nửa số dự án này được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho thấy có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân là đối tượng cán bộ công chức; hộ nghèo, cận nghèo và lao động trong các khu công nghiệp (KCN) có nhu cầu mua, thuê mua NƠXH. Hầu hết các nhóm đối tượng này đều chọn phương thức thuê mua NƠXH.
Nhưng để đáp ứng nhu cầu về NƠXH trên địa bàn, Sở Xây dựng thành phố cũng chỉ có thể đưa ra mục tiêu hoàn thành 39 dự án với 44.701 căn hộ là NƠXH từ nay đến năm 2020.
Kết quả khảo sát, tổng hợp những đặc điểm và nguyện vọng của người có nhu cầu về NƠXH của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố còn thể hiện:
Có tới 50% số người trong diện khảo sát có nguyện vọng mua NƠXH ở 13 quận nội thành; số người có nguyện vọng mua nhà ở 6 quận ven chỉ chiếm gần 30% và số ít còn lại chọn khu vực ngoại thành.
Đặc biệt là 68% người lao động trong các KCN đang làm việc ở các quận mới hoặc khu vực ngoại thành, nhưng vẫn có nguyện vọng đăng ký mua NƠXH trong khu vực nội thành. Chỉ có đối tượng tái định cư chưa có nhà ở và đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mới có nguyện vọng chuyển về khu vực quận mới và các huyện ngoại thành sinh sống.
Mặt khác, nhu cầu thuê mua vẫn là lựa chọn được ưa thích nhất hiện nay khi có từ 65-94% số trường hợp được khảo sát chọn phương thức này. Chỉ có một số ít cán bộ, công chức, viên chức mong muốn chọn phương thức chi trả một lần; lực lượng vũ trang tập trung chọn phương thức thuê mua còn đa số lao động trong KCN có nguyện vọng thuê nhà dài hạn.
Về quy mô diện tích căn hộ, có khoảng 17% đối tượng là lao động ở KCN, hộ nghèo và cận nghèo chỉ cần diện tích NƠXH quy mô nhỏ, từ 25m² - 40m². Đối tượng chọn NƠXH có diện tích từ 40-60m²/căn chiếm 40% trong tổng nhu cầu. Nhóm chọn diện tích NƠXH 60-90m²/căn chủ yếu là đối tượng tái định cư chưa có nhà, lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức với tỷ lệ 34%. Có nhu cầu diện tích nhà ở lớn hơn, ở mức 90m²/căn thuộc về đối tượng tái định cư chưa được có nhà ở.
Về nguyện vọng vay vốn, số người muốn vay mua NƠXH chỉ chiếm khoảng 43%. Chỉ có 14% muốn vay dưới 100 triệu đồng; 48% cần vay từ 100-300 triệu đồng và khoảng 37% có nhu cầu vay từ 300-600 triệu đồng. Trong số này, đối tượng hộ nghèo và cận nghèo chủ yếu chọn mức vay dưới 100 triệu.
Nhu cầu về NƠXH còn rất lớn, song theo Sở Xây dựng thành phố, từ nay đến năm 2020, quỹ đất dành cho việc phát triển NƠXH trên địa bàn chỉ có 19 dự án với quy mô hơn 28.000 căn hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách. Còn lại 19 dự án với quy mô hơn 15.000 căn hộ do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 70 dự án xây dựng nhà ở thương mại dành ra 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH với số lượng tổng cộng 162.000 căn. Trong đó thành phố dự kiến các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trên sẽ bàn giao khoảng 20% tổng diện tích quỹ đất, tương ứng 43ha để thành phố bố trí vốn ngân sách khoảng 19.500 tỷ đồng xây dựng 32.500 căn. Diện tích đất còn lại các chủ đầu tư sẽ tự đăng ký xây NƠXH.
Vốn ngân sách đầu tư phát triển NƠXH có hạn, nhưng việc xã hội hóa (XHH) phát triển NƠXH trên địa bàn còn khá chậm. Tới năm 2020 Tập đoàn BĐS Nam Long cũng chỉ dự kiến xây dựng được 1.200-3.000 căn từ việc mua bán, chuyển nhượng dự án NƠXH.
Trong 3 năm qua, công ty địa ốc Hoàng Quân đã triển khai xây dựng được 18 dự án NƠXH với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường được 23.000 căn hộ cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp.
Vì vậy, để đẩy mạnh XHH việc xây dựng NƠXH, một số DN tham gia phát triển NƠXH cho rằng, thành phố cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư được khấu trừ chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng ở mức 50-60% theo bảng đơn giá đất; công bố công khai quỹ đất 20% dành làm NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại.
Những dự án NƠXH từ quỹ đất của DN, ngoài chính sách ưu đãi trong đền bù giải phóng mặt bằng, thành phố cần hỗ trợ đối với những dự án đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đạt 70-80%...
DiaOcOnline.vn - Theo CAND