Nhà ở xã hội 'tắc' vì cơ chế

Cập nhật 30/09/2016 09:23

Đó là nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội: thực trạng, dự báo và giải pháp” do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 28.9.

Nhu cầu về nhà ở xã hội tại TP.HCM nhiều nhưng xây dựng không được bao nhiêu

Theo đó, hiện TP có đến gần 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH), nhưng từ năm 2006 - 2015 chỉ mới có 12 dự án, với khoảng 3.880 căn hộ được hoàn thành.

Mỗi năm xây được 388 căn

Theo ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP, trong số gần 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua NƠXH thì số tiền tích lũy bình quân hằng tháng chỉ 3,5 triệu đồng. Chính vì vậy có đến hơn 65% người chọn hình thức thuê mua có mức giá từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, diện tích nhà từ 25 m2.

Thành phố nên giao hẳn Sở Xây dựng một đầu mối, thời gian hoàn tất hồ sơ, còn nếu doanh nghiệp đi nộp lòng vòng nhiều cơ quan như hiện nay, hai năm vẫn không xong thủ tục

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân
 

Trong khi đó, bà Vũ Thị Khuyên, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng), cho biết từ năm 2006 - 2015, TP đã chấp thuận đầu tư xây dựng 51 dự án NƠXH với tổng số gần 50.000 căn hộ nhưng chỉ có 12 dự án đã hoàn thành với tổng cộng khoảng 3.880 căn hộ. Tính bình quân, mỗi năm xây được khoảng 388 căn. Nguyên nhân chậm trễ do chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp khả thi về vốn, quỹ đất... để làm NƠXH.

“Việc đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước chưa đầy đủ, chậm đề xuất các cơ chế thích hợp trong quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển và điều tiết thị trường bất động sản, chưa bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất... làm ảnh hưởng đến sự chủ động về quỹ đất trong thực hiện dài hạn chương trình NƠXH. Đặc biệt, chưa có tổ chức chuyên trách của nhà nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ NƠXH, nên việc tổ chức quản lý chưa được tập trung và hiệu quả”, bà Khuyên nói.

Là một doanh nghiệp làm khá nhiều dự án NƠXH, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân, nói thẳng: “TP.HCM chậm nhiều so với các tỉnh”. Cụ thể, tại các địa phương các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, còn TP.HCM nhiêu khê. Điển hình là dự án NƠXH tại Q.2 của công ty này 2 năm qua chưa xong thủ tục.

Về tiền sử dụng đất, các tỉnh miễn ngay lập tức, còn TP hoàn tiền rất chậm. Đơn cử dự án HQ Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM) đã giao nhà cho cư dân và tháng 10 tới hoàn tất dự án nhưng chưa được hoàn thuế. “TP nên giao hẳn Sở Xây dựng một đầu mối, thời gian hoàn tất hồ sơ, còn nếu DN đi nộp lòng vòng nhiều cơ quan như hiện nay, hai năm vẫn không xong thủ tục. Việc vay vốn cũng tương tự, cho đến nay gói 30.000 tỉ đồng tiếp tục bế tắc, vì chỉ giải ngân cho đến cuối năm nay. Công ty gửi hồ sơ lên Ngân hàng Chính sách xã hội xin vay vốn nhưng không có phản hồi, phải chăng vì giao ngân hàng này độc quyền nên thủ tục nặng nề, xem đối tượng mua NƠXH rất nghèo nên siết quá nặng”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Tổng công ty xây dựng số 1, chủ đầu tư một dự án tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết đến nay 2 năm trôi qua vẫn chưa xong thủ tục hành chính để có thể khởi công dự án. Cụ thể năm 2014 công ty khởi động dự án, tính toán vay gói 30.000 tỉ đồng lãi suất 5%/năm, lãi định mức nhà nước cho chủ đầu tư 10%. Tuy nhiên tới nay hồ sơ chưa xong, gói 30.000 tỉ đồng hết hạn, nếu vay ngân hàng thương mại lên 8%/năm, cộng với trượt giá xây dựng, coi như lãi chẳng còn bao nhiêu. “Hiện nay chỉ còn chờ làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất, xin Sở Xây dựng cấp phép xây dựng trước, còn các thủ tục khác bổ sung sau. Nếu không dự án xem như phá sản”, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án, đề xuất.

Sẽ có thêm 45.000 căn hộ

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, nói rằng đến năm 2020 TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án NƠXH với quy mô hơn 45.000 căn hộ. Tham vọng này có cơ sở, bởi thực tế 8 dự án đã được khởi công, 12 dự án đã chấp thuận đầu tư, 19 dự án đã công nhận chủ đầu tư, chủ trương đầu tư.

Đối với trường hợp của Công ty địa ốc Hoàng Quân, ông Tuấn nói sẽ phải khắc phục trong thời gian tới. Đối với trường hợp của Tổng công ty xây dựng số 1, vào thứ hai tuần tới nộp hồ sơ xin phép xây dựng lên Sở. Nhưng ông cũng kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ về lợi nhuận với người dân vì “công ty vẫn thuộc Bộ Xây dựng, chưa cổ phần nên đi tiên phong xây dựng dự án cho người dân được nhờ”.
“Sở sẽ tiếp tục đẩy nhanh cải cách hành chính, thủ tục NƠXH kéo dài 2 năm không thể chấp nhận. Trong quý 4 này TP sẽ ban hành cơ chế một cửa liên thông cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cũng như giảm phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Tuấn đưa ra cam kết.
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Văn Phấn lý giải quy định Ngân hàng Chính sách xã hội từ nay đến năm 2020 chỉ cho hộ cá nhân vay, chưa cho doanh nghiệp vay. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư chỉ định thêm 4 ngân hàng thương mại tham gia cho vay. “Bộ chuẩn bị có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ sửa các quyết định trước đây để bổ sung vốn trung hạn cho NƠXH. Ngoài ra, đối với các dự án nhà ở có diện tích 10 ha trở lại, chủ đầu tư được lựa chọn nộp kinh phí đối với 20% quỹ đất dành xây dựng NƠXH, TP được dùng kinh phí này để đầu tư xây dựng NƠXH, không hòa vào ngân sách chung. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng rất sốt sắng triển khai thực hiện cho vay NƠXH, bản thân tôi và các bộ liên quan cũng tham gia họp rất nhiều lần”, ông Phấn cho hay.
 

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân khiến chương trình phát triển NƠXH “đứng bánh” bởi ngân sách TP không có nhiều để bố trí xây, bản thân doanh nghiệp lại không mặn mà bởi chính sách nhiêu khê, những hỗ trợ từ nhà nước về vốn, ưu đãi không đáng là bao nhiêu nhưng lại quy định lợi nhuận đối với NƠXH không quá 10%.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên