Nhà ở xã hội: Mới hay... trên giấy

Cập nhật 05/01/2013 08:30

Nhà ở xã hội cần có bộ quy chuẩn riêng, được tính toán phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân. Cơ chế, chính sách phải tạo ra sân chơi cho tất cả các DN, chứ không nhất thiết phải ưu đãi hay chỉ định.
 


Nhà ở xã hội cần có bộ quy chuẩn riêng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kỳ vọng, giải pháp cho nhà ở xã hội sẽ là “điểm nhấn” giúp tan “băng” thị trường BĐS. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển nhà ở xã hội của bộ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Đất sạch là bài toán đặt ra đầu tiên đối với các dự án nhà ở xã hội, nhưng để có đất sạch không dễ. Nếu như ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, đất sạch cũng chỉ còn ở các huyện như Củ Chi hay Hóc Môn hoặc ở các vùng xa trung tâm, chứ trong các quận nội thành thì quá khó. Nếu xây chung cư tại vùng xa, giao thông khó khăn, hạ tầng không đồng bộ thì nhà ở xã hội sẽ không bán được.

Thứ hai, nhiều DN hy vọng, nhà ở xã hội sẽ được thương mại hóa, nhưng nếu được như vậy thì nhiều điều kiện trong Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được “gỡ bỏ”. Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty An Thiên Lý cho rằng, Nghị định 69 có những quy định quá “chặt” đối với DN, thậm chí DN không thể tính toán cụ thể cho các dự án BĐS của mình.

Theo ông Hà, trước đây, Nghị định 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất quy định mức thuế đóng tiền sử dụng đất là 100% theo bảng giá đất ban hành. Từ đó, DN có thể tính toán được mức lời lỗ mà quyết định có nên đầu tư hay không. Tuy nhiên, Nghị định 69 quy định mức thuế đóng 100% theo sát giá thị trường tại thời điểm nộp hồ sơ, giá đất do công ty thẩm định giá và tổ liên ngành đồng ý. Thực tế, tiền đất “sát giá thị trường” luôn là ẩn số trong bài toán đầu tư của DN. Nghị định 198 và Nghị định 69 chỉ đúng với những trường hợp đất công, có mặt tiền tại các đường lớn, không phải đền bù, san lấp và đầu tư hạ tầng.

Trong khi một số quy định tại Nghị định 69 không còn phù hợp, thì không ít quy chuẩn cho nhà cao tầng do Bộ Xây dựng ban hành vẫn chưa được sửa đổi. Chẳng hạn, bộ này cho phép xây căn hộ 25 m2, nhưng lại chưa sửa những quy định về không gian công cộng như bãi đỗ xe, mật độ căn hộ…, dẫn đến thực tế người thu nhập thấp sẽ phải trả mức phí gấp đôi người thu nhập cao.

“Chỉ nguyên việc này, nếu không sửa thì nhà ở xã hội ‘chết’ chắc. Năm bảy trăm ngàn một tháng với người thu nhập cao là bình thường, nhưng với người thu nhập thấp là quá khó. Làm cái gì cũng phải nhìn vào thực tế”, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành nói.

Dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã rút ngắn thời gian được phép bán nhà sau thời hạn 5 năm, nhưng quy định này được nhận định vẫn là rào cản.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho biết: “Nếu nhà ở xã hội dự kiến ở mức giá 9 - 10 triệu đồng/m2 tại TP. HCM, thì mức giá này cũng chỉ thấp hơn 1 - 2 triệu đồng/m2 so với một số căn hộ thương mại đang được chào bán. Với căn hộ 30 m2 thì giá chênh cũng chỉ từ 30 - 60 triệu đồng. Trong khi nhà ở thương mại được tự do mua bán, trao đổi, thì nhà ở xã hội không được phép”.

Nhiều DN tại TP. HCM kiến nghị, không nên ban hành khung giá cho nhà ở xã hội trong cả nước, vì mỗi địa phương sẽ có một mức giá khác nhau. “Không thể lấy mức giá của vài DN ở Hà Nội rồi áp giá cho chúng tôi ở TP. HCM. Nếu có mức giá đó, phải có cơ sở tính toán cụ thể, hợp lý”.

Nhà ở xã hội cần có bộ quy chuẩn riêng, được tính toán phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân. Cơ chế, chính sách phải tạo ra sân chơi cho tất cả các DN, chứ không nhất thiết phải ưu đãi hay chỉ định.

Chương trình nhà ở xã hội đã một lần thất bại với việc chỉ hoàn thành 1% kế hoạch, không nên để “chết” thêm lần nữa.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán