Chủ trương phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai thời gian qua tạo được sự đồng thuận lớn trong người dân, thế nhưng trên thực tế cả người dân và chủ doanh nghiệp đều gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu là thủ tục, quy định ràng buộc quá cứng nhắc...
Nhiều gia đình đã có được nhà ở qua chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo người dân, Nhà nước cần linh hoạt hơn trong việc thanh toán mua nhà. Trong ảnh: dự án nhà ở xã hội, chung cư Đông Hưng II (quận 12, TP.HCM)
|
"Ngoài yếu tố phát triển kinh tế thì nhiệm vụ chính trị của chiến lược phát triển NƠXH là đảm bảo nhu cầu an cư của đại đa số người dân thu nhập thấp. Muốn làm được điều này phải loại bỏ cơ chế xin - cho như hiện nay" TS TRƯƠNG ANH TUẤN (phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN) |
Sau một năm miệt mài chạy làm đủ thứ giấy tờ, hồ sơ, chứng thực, bằng khen... để được xét duyệt qua các “vòng loại”, cuối cùng chị T.H. - một công chức tại Q.1 (TP.HCM) - cũng nhận thông báo được mua một căn chung cư NƠXH tại chung cư Tô Hiến Thành (Q.10). Chưa kịp vui, mấy ngày sau chị T.H. lại nhận được thông báo là hoãn giao nhà vì phải chờ định lại giá. “Ban đầu căn hộ 53m2 mà tôi được mua có giá 11 triệu đồng/m2, tương đương giá khoảng 600 triệu đồng/căn. Hai vợ chồng tôi đều là công chức, lương chẳng bao nhiêu nên chúng tôi đăng ký vay ngân hàng 50%, còn 50% nữa thì gia đình tự xoay xở và vay mượn thêm. Tuy nhiên, nếu bây giờ thông báo giá nhà tăng lên dăm ba triệu/m2 nữa thì tôi xin trả vì như thế tính ra mua nhà thương mại lợi hơn” - chị T.H. nói. Trường hợp của chị T.H. không hiếm, trong số 108 người được xét duyệt mua căn hộ chung cư này một số người đã có ý định trả lại suất mua nếu giá cao hơn mức công bố ban đầu.
Với nhu cầu mua NƠXH để chấm dứt cảnh ở trọ của gia đình bao nhiêu năm nay, chị Diễm Châu - một công chức tại TP.HCM - cho biết đã theo dõi rất sát những quy định về mua NƠXH hiện nay nhưng việc tiếp cận được NƠXH có vẻ rất khó khăn. “Cơ chế xét duyệt rất gắt gao, tôi đã nộp đơn nhiều lần nhưng không hiệu quả. Cụ thể là tiêu chí chấm điểm NƠXH TP.HCM đưa ra khá nhiều điều kiện như thâm niên biên chế (40 điểm), thành tích (30 điểm) gồm huân chương, huy chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... và nhân thân (30 điểm). Tôi là công chức trẻ nên khó đáp ứng được các tiêu chí trên” - chị Châu cho hay. Mặt khác theo chị Châu, hiện nay các quy định ưu đãi về vốn vay chưa đả động gì đến nhóm đối tượng có nhu cầu mua NƠXH cũng là một điểm bất lợi cho người mua.
Là một trong những hộ gia đình đang ở NƠXH tại chung cư Đông Hưng II (khu dân cư An Sương, Q.12), chị Huỳnh Bích Vân cho rằng chủ trương phát triển NƠXH rất tốt. Dẫn chứng câu chuyện gia đình mình, chị Vân cho biết: “Hai vợ chồng tôi là công chức lương ba cọc ba đồng nên cứ mãi sống cảnh ở trọ, đến năm 2010 vào danh sách mua NƠXH tại chung cư Đông Hưng II. Khi đó chỉ cần trả 20% là tôi đã nhận nhà, phần còn lại gia đình tôi được trả góp trong vòng 15 năm, tương đương mỗi tháng 4,3 triệu đồng với mức lãi suất 6-7%/năm”. Tuy nhiên, theo chị Vân, điều khiến nhiều hộ gia đình ở đây băn khoăn là nhiều quy định ràng buộc quá cứng nhắc. Chẳng hạn, một số hộ muốn thanh toán một lần để giảm lãi suất phải trả nhưng không được vì trong quy định các hộ phải trả góp trong 15 năm, sau đó mới được đứng tên sở hữu, mới có quyền cho thuê, bán hoặc sang nhượng căn hộ này. “Tôi cho rằng việc phát triển NƠXH đã mở ra nhiều cơ hội cho người thu nhập thấp có thể mua nhà khi có nhiều sản phẩm với giá vừa túi tiền. Song phải linh hoạt hơn trong hình thức thanh toán và sở hữu nhà thay vì yêu cầu 10-15 năm như hiện nay” - chị Vân nói.
Loại bỏ “xin - cho”
Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận hiện nay NƠXH không phải là vấn đề mới nhưng khung pháp lý vẫn chưa đầy đủ. Đòi hỏi thực tiễn triển khai cần phải có nhiều thay đổi và bổ sung. Trong khi đó các lợi thế về thuế, vốn và đất đai còn nhiều điểm cần tháo gỡ để thu hút được doanh nghiệp tham gia. “Theo tôi, để tạo điều kiện cho người mua nhà, cần đa dạng cách lựa chọn mua của khách hàng: được mua, được thuê và thuê mua trong tất cả các sản phẩm NƠXH, không kể dự án có vốn Nhà nước hay dự án vốn tư nhân” - ông Tuấn nói.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia về tài chính và đầu tư, cho rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trong chính sách NƠXH, Nhà nước mong tạo ra dòng nhà có giá thành thấp, phù hợp với túi tiền của người dân hay muốn người dân mua được nhà có giá trị cao với giá thấp do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp nhiều thứ? Trường hợp thứ nhất, người dân sẽ mua NƠXH khi có nhu cầu ở thật sự, trường hợp thứ hai: ai cũng muốn mua, không có nhu cầu ở cũng mua, thậm chí người không có tiền cũng mua vì mua xong bán lại sẽ có lãi. Theo ông Hiển: “Ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, nói thật với nhau để xác định nhu cầu người dân ở tới mức nào và nên làm mức nào. Từ đó mới có giải pháp hợp lý”.
Theo TS Đinh Thế Hiển, NƠXH nên hướng tới lớp người có thu nhập trung bình như công chức, viên chức, những người có thu nhập ổn định. Nhà nước có thể quy hoạch những dự án nhà liên kế, nhà chung cư ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành với giá thấp từ 400-500 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, theo ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, cần phải xóa bỏ quan điểm xưa nay rằng NƠXH là chất lượng thấp, phải làm sao chất lượng NƠXH tương đương với nhà ở thương mại dân mới mua. Muốn làm được điều này, chính sách phải tạo ra cơ chế cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia từ việc khách hàng được quyền chọn mua sản phẩm NƠXH mà họ muốn thay vì chỉ định hay bốc thăm như trước giờ. “Điều quan trọng nhất là thay đổi hình thức sở hữu của người dân về NƠXH hiện nay, thay vì người dân phải trả góp trong vòng 10-15 năm theo quy định hiện nay mới được sở hữu nhà và mới được cho thuê, sang nhượng hoặc mua bán thì nay phải cho người mua có quyền được thanh toán một lần nếu họ có khả năng” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Muốn làm được điều này phải loại bỏ cơ chế xin - cho như hiện nay. Cùng quan điểm đó, một chuyên gia bất động sản cho rằng cần cởi mở chính sách mua NƠXH cho người dân được tham gia một cách rộng rãi, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp có thể mua được nhà thay vì đưa ra hàng loạt điều kiện, tiêu chí chấm điểm, xét duyệt nhiêu khê như hiện nay...
Ai thuộc diện được mua?
Theo nghị định 71 đối tượng được mua, được thuê, được thuê mua NƠXH là: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân làm việc tại khu công nghiệp; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; học sinh, sinh viên từ trung cấp đến đại học và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Để được mua, thuê, thuê mua NƠXH, các đối tượng trên phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua thuê hoặc thuê mua NƠXH, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất dưới mọi hình thức hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2/người hoặc là nhà tạm bợ hư hỏng, dột nát; có mức thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình dưới mức thu nhập bình quân của địa phương; người mua, thuê mua NƠXH phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương; đối với trường hợp thuê mua (trả góp) phải có khả năng thanh toán lần đầu 20% giá trị căn nhà...
Ưu đãi cho doanh nghiệp
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay TP có 25 dự án NƠXH được chấp thuận đã và đang triển khai với quy mô 21.000 căn hộ, 21 dự án đang xin chuyển đổi sang NƠXH. Trong số 25 dự án được chấp thuận có hai dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, ba dự án chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng, bốn dự án đang triển khai thi công, còn lại là các dự án đã hoàn thành thủ tục hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Nghị định 71 quy định dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn: vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay... Về tiêu chuẩn thiết kế, NƠXH diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư không quá 70m2, chủ đầu tư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện hành. Diện tích tối thiểu của NƠXH là 30m2 (tiêu chuẩn này đối với nhà ở thương mại là 45m2).