Nhà ở xã hội “khát” tín dụng ưu đãi dài hạn

Cập nhật 17/04/2016 10:21

Nhà xong nhưng khách hàng không dám ký hợp đồng mua bán. Đó là thực trạng ở một số dự án nhà ở xã hội hiện nay.

Gói 30 nghìn tỷ kết thúc, nhiều khách hàng là những người thu nhập thấp ở đô thị cũng đành ngậm ngùi bỏ dở “giấc mơ an cư”. Cả chủ đầu tư và nhiều khách hàng vẫn đang mong chờ và hy vọng sẽ có thêm những gói tín dụng ưu đãi như gói 30 nghìn tỷ.

Không dám ký hợp đồng mua bán

Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Khu đô thị Sunny Garden City, Quốc Oai, Hà Nội) do Tập đoàn CEO Group làm chủ đầu tư gồm 2 tòa chung cư, tổng số 432 căn hộ, hiện đã hoàn thành cả 2 tòa CT9A và CT9B, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng. Mặc dù được nhiều khách hàng quan tâm và nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, nhưng hiện tại hàng loạt khách hàng đã không dám ký hợp đồng mua bán.

Nguyên nhân được đại diện chủ đầu tư giải thích là do 100% khách mua nhà ở dự án Bamboo Garden trước thời điểm 31- 3- 2016 đều đăng ký vay gói 30 nghìn tỷ. Theo bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO, chủ đầu tư dự án thì dự án Bamboo Garden đã hoàn thiện nên rất nhiều khách hàng có nhu cầu thực quan tâm và đang cân nhắc làm hồ sơ đăng ký mua. “Gói 30 nghìn tỷ dừng đột ngột khiến những khách hàng này gặp khó khăn vì họ đều thuộc đối tượng thu nhập thấp, cần phải được hỗ trợ vay ưu đãi mới có thể mua được nhà”, bà Lan Anh cho biết.

Cùng cảnh ngộ là dự án nhà ở xã hội The Vesta (phường Phú Lãm, Hà Đông) do Công ty CP BĐS Hải Phát làm chủ đầu tư. Đây là một dự án nhà ở xã hội lớn với quy mô lên tới 2.000 căn hộ. Dự kiến tháng 9-2016 sẽ cất nóc do đó hiện nay dự án này đã dư thừa điều kiện bán hàng.

Đã tiếp nhận 1.000 hồ sơ đăng ký mua nhà, nhưng thế nhưng hiện chủ đầu tư vẫn chưa ký một hợp đồng mua bán nào với khách hàng. Nguyên nhân cũng được đại diện chủ đầu tư giải thích là do hết gói 30 nghìn tỷ.

Theo ông Nguyễn Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Hải Phát thì có đến 99% khách hàng nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở dự án này đăng ký vay vốn ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ.

“Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn họ sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. Tôi đã trực tiếp gặp gỡ họ nhiều lần nên hiểu họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi. Phía doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn bán được hàng nhưng khách hàng không dám ký. Chúng tôi phải gặp gỡ, động viên khách hàng chờ đợi”, ông Nguyễn Kim Giang cho biết.


Nhà ở xã hội rất cần chính sách tín dụng dài hạn.

Mong mỏi gói ưu đãi mới

Theo ông Nguyễn Kim Giang, nếu không có chính sách tín dụng dài hạn cho lĩnh vực nhà ở xã hội thì rất khó để phát triển nhà ở xã hội. “Doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ được cho khách hàng nhưng chỉ phần nào bởi vì tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%. Nếu trích từ 10% lãi suất đó ra thì doanh nghiệp cũng chỉ có thể hỗ trợ khách hàng được 1 đến 2 năm đầu với mức lãi suất 5% như gói ưu đãi. Nhưng những năm tiếp theo thì khách hàng sẽ không thể kham nổi với lãi suất thương mại”, ông Giang nói.

Theo vị này thì phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược dài hơi đã được đưa vào Luật và trong Nghị định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết phải xây dựng chính sách, những gói vay ưu đãi theo hướng dài hạn cho người nghèo. “Nếu chính sách thay đổi chóng mặt như hiện nay thì khổ nhất vẫn là người mua nhà. Bên cạnh đó cũng sẽ khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Bỏ vốn xây nhà lên mà không bán được thì ai muốn tham gia”, ông Giang cho hay.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Lan Anh cũng cho rằng, cần thiết phải có chính sách tín dụng mang tính dài hạn cho nhà ở xã hội. “Trên thực tế, 100% người mua nhà ở xã hội đều phải  vay vốn nên chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm ban hành một gói hỗ trợ tín dụng mới dành riêng cho nhà ở xã hội, đồng thời ưu tiên giải ngân nhanh đối với những dự án đã hoàn thiện, giúp cho những người thu nhập thấp có cơ hội an cư”, bà Lan Anh nói.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì từ gói 30 nghìn tỷ có thể thấy rõ sự hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng đối với người thu nhập thấp là rất quan trọng và thiết thực. Thiết thực bởi lãi suất thấp, thời gian trả nợ trải đều trong 15 năm. Như vậy người thu nhập thấp vẫn đảm bảo cuộc sống mà vẫn trả được nợ, lại cải thiện được nhà ở. Với mức lãi suất 5% thì ngân hàng cũng có lợi và người đi mua nhà có điểm tựa về tài chính để trả nợ dần. Điều đó đã góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, một phần trong đó là nhà ở xã hội cho công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang... 

“Cần thiết phải cho chính sách tín dụng dài hạn cho nhà ở xã hội. Đây là điều Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu. Trước mắt thì Ngân hàng Nhà nước nên chăng tham mưu với Chính phủ tiếp tục ra một gói ưu đãi nữa với lãi suất khoảng 5%, thời gian cho vay kéo dài khoảng 15- 20 năm để giúp người thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Điều đó còn tạo đầu ra ổn định, rõ ràng cho các doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND