Nhà ở xã hội - loại hình được xem là kém hấp dẫn trên thị trường bất động sản thời gian trước, lại đang có sức hút đối với các nhà đầu tư trong thời gian hiện tại, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Đầu tư vào dự án nhà ở xã hội có lợi nhuận thấp, nhưng ổn định và an toàn hơn dự án nhà ở thương mại. Ảnh: Lê Toàn
|
Tại phía Bắc có thể kể đến các tên tuổi lớn tham gia vào phân khúc này như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico), CTCP Đầu tư và thương mại Thủ đô, Tổng công ty HUD… Trong khi phía Nam là Đức Khải, N.H.O và mới đây là Cường Thuận IDICO, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải của Đồng Nai cũng gia nhập vào phân khúc nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Tử Quang, Phó tổng giám đốc Handico cho biết, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân với nhu cầu rất lớn và đây là chủ trương lớn của TP. Hà Nội. Hiện Tổng công ty đang có kế hoạch triển khai 2 dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung và Bắc An Khánh. Trong đó, dự án tại Kim Chung có quy mô 5,1 héc-ta với hơn 1.000 căn hộ và Bắc An Khánh được xây dựng trên diện tích 18,5 héc-ta với 27 tòa nhà, trường học…
Rất dễ nhận thấy, các dự án nhà ở xã hội hiện nay không còn manh mún, nhỏ lẻ hay “bơ vơ” giữa cánh đồng, không được kết nối hạ tầng như trước, mà thay vào đó, là những dự án có quy mô lớn, được kết nối hạ tầng đồng bộ. Đơn cử, tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) do Viglacera xây dựng, khu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khó phân biệt, vì cùng chung hạ tầng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lo ngại các điều kiện đặt ra với người mua nhà ở xã hội sẽ hạn chế lượng khách hàng, nhưng các “ông lớn” lại cho rằng, đối tượng khách hàng nhà ở xã hội là những người có nhu cầu thực, mong mỏi có một chốn an cư, họ không có nhiều tiền, nên đã là khách hàng của nhà ở xã hội thì chắc chắn sẽ mua.
Tại TP. HCM, nhà ở xã hội vẫn đang “trầy trật” cạnh tranh với nhà ở thương mại giá thấp. Đơn cử như Địa ốc Hoàng Quân đã và đang triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội từ TP. HCM đến Đồng Nai, Nha Trang…, nhưng tín hiệu khả quan từ các dự án này vẫn chưa lộ diện. Khác với TP. HCM, địa điểm triển khai nhà ở xã hội của Hoàng Quân tại các tỉnh thành khác thường có vị trí đẹp, song có bán được hàng hay không phải đợi kết quả từ thị trường.
Tại Đồng Nai, Cường Thuận IDICO cũng đã lấn sân sang xây dựng nhà ở xã hội với dự án đầu tiên tại phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa), gồm 532 căn, có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Trong đó, 50% là cho thuê và 50% thuê mua. Dù quy mô dự án chưa quá lớn, nhưng nhưng với việc một “đại gia” giao thông với tay sang xây dựng nhà ở xã hội cho thấy loại hình này bắt đầu có sức hấp dẫn.
Nhà ở xã hội hiện nay không còn bó hẹp là căn hộ chung cư, mà loại hình nhà chia lô cũng dần trở nên phổ biến, nhất là các tỉnh. Đơn cử, tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), CTCP Đầu tư phát triển nhà và khu công nghiệp Đồng Tháp (Hidico), phối hợp với Công ty Đô thị Sen vàng xây nhà liền kề 2 tầng trên diện tích đất từ 50 - 70 m2, giá bán từ 350 triệu đồng/căn.
Lý giải về việc xây nhà xã hội dạng liền kề, mà không xây dựng dự án chung cư, ông Nguyễn Tiến Ngân, Tổng giám đốc Hidico cho biết: “Cả TP. Cao Lãnh làm gì có chung cư, xây chung cư bán cho ai? Ở đây muốn bán được phải nhà liền kề và phải trong nội đô”.
Đại diện BIDV Đồng Tháp cũng đánh giá, loại hình nhà xã hội dạng này chắc chắn sẽ bán tốt ở Đồng Tháp, nên BIDV sẵn sàng tài trợ vốn.
Một chuyên gia trong ngành bất động sản nhận xét, đầu tư nhà ở xã hội chỉ khó giai đoạn đầu, bởi do được nhiều ưu đãi, nên việc thẩm định sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, khi đã “qua ải” này, thì mọi thứ sẽ vào guồng quay.
Vốn đã có nguồn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ, hoặc từ ngân hàng, nhiệm vụ của chủ đầu tư là quản lý tốt dự án và đưa ra giá bán, chính sách hợp lý. Hơn nữa, nhu cầu về nhà ở xã hội lớn và ổn định, nên so với các dự án nhà ở thương mại, thì đầu tư vào dự án nhà ở xã hội hiện nay xem ra vẫn là kênh đầu tư ít rủi ro hơn đối với các chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản