Nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) luôn “nóng”, đặc biệt là NƠXH cho thuê. Trong khi nguồn cung bất động sản (BĐS) cho phân khúc này lại khá hạn chế và dè dặt.
Trên thị trường BĐS, phân khúc NƠXH ít được các chủ đầu tư quan tâm và chú trọng. Điều đó khiến cho nguồn cung BĐS ở phân khúc này ít. Theo thống kê, quỹ nhà ở cho thuê trên cả nước hiện nay chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, trong đó TP Hà Nội chiếm 14%. Tỷ lệ này được coi là rất thấp, không đủ nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu nhà ở phân khúc này.
Mới đây, dự thảo Nghị định Quản lý phát triển NƠXH đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến về vấn đề này. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất quy định các dự án phát triển khu đô thị mới, nhà ở, có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH.
Phân khúc NƠXH cho thuê vẫn còn nhiều tiềm năng. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Thực tế, các dự án NƠXH tại TP Hà Nội hiện không có nhiều, đặc biệt là các căn hộ cho thuê. Chẳng hạn như dự án NƠXH Đại Kim sau khi được Cty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê căn hộ. Mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới hết hạn nhận hồ sơ nhưng theo ước lượng thì con số đăng ký hồ sơ đã lên đến vài trăm người. Trong khi chỉ tiêu cho thuê của dự án này chỉ vỏn vẹn 136 căn trên tổng số 630 căn hộ.
Chị Bùi Thu Ngân, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (hiện thuê trọ ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), cho biết: Nhu cầu thuê nhà ở với giá thấp của chúng tôi là rất cao nhưng phần lớn rất khó tiếp cận dự án, hay nói cách khác là nguồn cung quá ít nên không đáp ứng được nhu cầu của những người ngoại tỉnh ra TP Hà Nội làm việc. “Tôi mong các nhà quản lý có những giải pháp đồng bộ và tổng thể hơn về phân khúc NƠXH cho thuê, đặc biệt là tại các khu đô thị mới. Có vậy, chúng tôi mới ổn định được cuộc sống và yên tâm công tác”, chị Ngân tâm sự.
Với nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu lại ngày một tăng cao thì gần như các dự án cho thuê NƠXH đều phải tiến hành theo hình thức bốc thăm. Trong quá trình thẩm định hồ sơ thì những người có khả năng thu nhập thấp sẽ ít được đề cập đến bởi họ không phải là nhóm khách hàng “an toàn”. Như vậy, người có thu nhập thấp hơn sẽ lại càng khó có khả năng thuê căn hộ dự án NƠXH.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Huy, kiến trúc sư, nhận định: Xu hướng phát triển nhà cho thuê là một hướng đi đúng và rất cần thiết. Nó có thể giúp hàng triệu người lao động nghèo có nhà ở, từng bước ổn định cuộc sống. Vậy nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) sẽ phải giảm. Đây chính là nguyên nhân khiến các DN “ngại” tham gia đầu tư và triển khai dự án NƠXH.
Theo ông Huy, ngoài việc có những chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà như cho vay ưu đãi với lãi suất thấp trong dài hạn, hỗ trợ giá thuê căn hộ, …., thì cũng cần phải xây dựng nhiều khung pháp lý cụ thể hơn cho DN, nhất là ở phân khúc NƠXH cho thuê. “Những DN đầu tư vào phân khúc này thường phải “trường vốn” và được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Như vậy môi trường đầu tư mới thực sự hấp dẫn đối với họ”, ông Huy cho biết thêm.
Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở là khá cấp bách với nhiều người dân, đặc biệt là những người ở tỉnh ngoài đến sinh sống và làm việc tại các TP lớn. Do đó, phân khúc NƠXH của thị trường BĐS còn khá “màu mỡ”, nguồn cầu là rất lớn. Tuy nhiên nó lại vẫn chưa thực sự hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư bởi hành lang pháp lý vẫn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, ví dự như tiêu chuẩn về thiết kế, về diện tích, ….. vẫn chưa có chuẩn mực. Giải được bài toán này thì người dân mới có nhiều cơ hội hơn khi tiếp cận phân khúc NƠXH cho thuê.
Ông Nguyễn Quang Huy, kiến trúc sư, cho biết: Muốn phát triển được NƠXH cho thuê thì đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi thói quen của người dân. Với những gia đình trẻ, chưa đủ năng lực tài chính thì việc họ tìm thuê trước một căn hộ với giá hợp lý. Sau 5 – 10 năm, nếu có nhu cầu ở rộng hơn họ có thể tiếp tục thuê lại căn hộ khác với diện tích lớn hơn. Và khi có đủ điều kiện kinh tế, họ có thể mua lại căn hộ đó hoặc mua một căn hộ khác mới hơn.
Việc phát triển NƠXH cho thuê như vậy sẽ giúp người dân giảm bớt khó khăn về vấn đề nhà ở, giúp người dân dần ổn định cuộc sống. Đồng thời thay đổi thói quen và nhận thức cũ về nhà ở. Đó là phải dựa vào nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của chính mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật & Xã hội