Để tháo gỡ “nút thắt” về quỹ nhà ở cho một bộ phận công chức, đội ngũ giáo viên, TPHCM đã thành lập Quỹ phát triển nhà ở (HOF) TPHCM với nhiều ưu đãi khi mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai và hoạt động, số hồ sơ thực tế được HOF duyệt vay hỗ trợ mua nhà so với nhu cầu thật vẫn còn quá khiêm tốn.
Chung cư 242/16 Bà Hom dành cho giáo viên, CB-CNV thu nhập thấp tại quận 6. Ảnh: Thanh Tâm |
Chỉ hơn 100 hồ sơ được duyệt vay
Chưa có một con số thống kê chính thức, nhưng theo khảo sát riêng của chúng tôi tại một số trường thì số lượng giáo viên vẫn đang sống nhà thuê chiếm không dưới 55% tổng số đội ngũ giáo viên hiện nay của TPHCM. Những địa phương có số lượng giáo viên đang phải sống nhà thuê lớn là quận Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh và quận 9.
Thầy Huỳnh Hải Ng, giáo viên Trường TH Lam Sơn, quận Gò Vấp, cho biết: “Tôi có nghe nói đến quỹ hỗ trợ giáo viên vay mua nhà, nhưng nói thật với số tiền 400 triệu đồng được duyệt vay rất khó để mua được một căn hộ thời điểm này. Mặt khác, ít nhất chúng tôi phải có 120 triệu đồng (30%) thì mới có thể sở hữu căn hộ trả góp cho mình. Đây là điều không dễ với giáo viên chúng tôi khi đồng lương hiện nay chỉ đủ sống, trả tiền thuê nhà. Vì vậy, việc cảnh sống rày đây mai đó là chuyện không thể tránh khỏi với giáo viên không nhà như tôi”.
Báo cáo mới nhất của HOF cho thấy: Sau 8 năm triển khai, đến nay mới huy động được khoảng 1.000 tỷ đồng, các nguồn khác thì vẫn không đáng kể. Tuy con số trên đứng đầu cả nước về nguồn quỹ huy động, song thực tế cho thấy con số 1.000 tỷ đồng ấy chẳng khác gì muối bỏ bể trước nhu cầu vay mua nhà của gần 30.000 cán bộ - công chức, giáo viên trên địa bàn TPHCM.
Gần đây, nguồn thu của HOF ngày càng khan hiếm do vướng mắc trong việc sắp xếp, thu hồi, bán đấu giá mặt bằng kho xưởng thuộc sở hữu nhà nước đang bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, thị trường nhà đất đóng băng, các dự án phát triển nhà ở bị ngưng trệ đã làm giảm đáng kể nguồn thu cho quỹ. Năm 2011, dù quỹ HOF nhận được hàng ngàn hồ sơ xin vay mua nhà nhưng số lượng được duyệt vay khi thỏa mãn các điều kiện chỉ hơn 100.
Vướng mắc chủ yếu hiện nay theo nhiều giáo viên chính là quy định về diện tích đất (người có diện tích đất thấp hơn 8m² mới được duyệt vay), quy định về nguồn vốn ban đầu (ít nhất 30%) cho thỏa thuận vay, đất đang ở (dù ở thuê) cũng không được quá 8m²/người… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Giám đốc HOF, chia sẻ: Việc số lượng hồ sơ được duyệt vay hạn chế so với nhu cầu thật của đội ngũ giáo viên, cán bộ - công chức có rất nhiều lý do. Trong đó, vướng mắc lớn nhất chính là các điều kiện và thủ tục để được duyệt vay vẫn còn phức tạp và nhiều đòi hỏi khiến không ít người đáp ứng được. HOF được UBND TP thành lập vào năm 2004, hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính nhà nước, bảo toàn vốn, không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn vốn của quỹ chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay của đội ngũ giáo viên, cán bộ, công chức chưa có nhà.
Cần nới lỏng các quy định
Đó là những ý kiến của không ít người khi được chúng tôi hỏi về việc nộp hồ sơ xin vay tiền quỹ tín dụng HOF, cũng như triển vọng về các dự án nhà ở xã hội mà TPHCM đang đồng loạt triển khai trong tương lai gần. Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, dù không giải quyết được nhiều nhưng đã có gần 1.000 cán bộ - công chức tiếp cận nguồn vốn vay trị giá trên 226 tỷ đồng của HOF. Trong đó, giáo dục chiếm đến 48%, y tế 15%, tòa án 7%, khu chế xuất 1% và các đối tượng khác 29%.
Lợi ích từ nguồn quỹ và các chương trình hỗ trợ nhà ở cho cán bộ - công chức của UBND TP thì đã rõ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về đầu tư các công trình phúc lợi, việc nới lỏng các quy định vay và hạn mức tín dụng phải trả hàng tháng cần được nghiên cứu và giảm xuống nhiều hơn nữa, nhằm giúp cho nhiều đối tượng công chức, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với quỹ vay, sớm có nơi an cư lạc nghiệp. Theo quy định hiện nay, nếu được vay tối đa 400 triệu đồng, lãi suất 0,75%/tháng, thời hạn vay trong vòng 15 năm, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi thực tế thu nhập của nhiều giáo viên, cán bộ - công chức hiện nay còn quá thấp. Việc đảm bảo nguồn tài chính đóng trả nợ hàng tháng như trên quả là rất khó để họ biến ước mơ sở hữu một căn nhà thành sự thật.
Hiểu được những bức xúc cũng như nhu cầu nhà ở rất lớn hiện nay của một bộ phận giáo viên, cán bộ - công chức, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập hàng loạt dự án nhà ở xã hội, cố gắng sớm triển khai để đáp ứng quỹ nhà ở hiện nay cho một bộ phận người dân. Hiện toàn TP có hơn 100 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá thấp được đăng ký triển khai. Trong năm 2011, đã có 6 dự án được xây dựng, 17 dự án được chấp thuận và chuẩn bị khởi công. Trong đó, Quỹ Phát triển nhà TP vừa làm lễ khánh thành và bàn giao 84 căn hộ nhà ở xã hội tại chung cư Đông Hưng 2 (quận 12) cho những người được xét duyệt thuê, mua. Các căn hộ có diện tích 51m² và 66m² với giá từ 500 – 650 triệu đồng/căn.
Với quyết tâm rất lớn của TPHCM, hy vọng việc sở hữu một căn hộ để an cư lạc nghiệp sẽ không còn là bài toán quá khó với một bộ phận giáo viên, cán bộ - công chức có thu nhập thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng