Nhà ở xã hội: Cần minh bạch hóa thu nhập

Cập nhật 24/04/2009 16:55

Ở nước ta, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội rất khó nhận diện. Nếu cán bộ, công chức, viên chức mà cũng ở nhà ở xã hội như ý nghĩa của từ này thì thật đáng buồn.

Bàn về cơ chế nhà ở xã hội chưa hoàn thiện trong loạt bài “Kích cầu bằng nhà ở xã hội” đăng trên các số trước, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Ngọc Điện liên quan tiêu chuẩn của đối tượng được thuê, thuê mua loại nhà này.

Phải xác định rằng nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn nhằm bồi dưỡng sức dân. Nhưng những lo ngại về nhà ở xã hội là đúng. Cung ít, cầu nhiều, đối tượng thụ hưởng không rõ rệt thì tất yếu sẽ xảy ra tình trạng “xin-cho”. Người có thu nhập thấp thì không được mua nhà, còn người giàu thì lại tìm cách lọt vào để hưởng chính sách ưu đãi. Tôi không trông mong gì sự minh bạch của thị trường này một khi cơ chế của nó không minh bạch.

Hiện nay, cách dùng từ “nhà ở xã hội” ở ta không ổn, dễ bị rối. Nhà ở xã hội phải hiểu là một dạng nhà cứu tế, dành cho những đối tượng có thu nhập thấp không thể tự lo về nhà ở trong khi xã hội cần đến sức họ như lao công, tạp vụ... Nếu không lo cho họ thì lấy ai làm những công việc phổ thông như vậy. Còn nếu cán bộ, công chức, viên chức mà cũng ở nhà ở xã hội như ý nghĩa của từ này thì thật đáng buồn.

Ở các nước phát triển, sự chênh lệch giữa các tầng lớp giàu nghèo rất lớn và rõ rệt. Nhà ở xã hội có nhiều loại với nhiều hình thức nhưng nói chung là dành cho các đối tượng có thu nhập thấp được thuê. Người giàu không ở đây và cũng không đầu cơ vào khu vực này vì nó khó bán. Gọi là nhà ở xã hội nhưng chất lượng nhà rất cao nên người có thu nhập thấp thường mua không nổi, họ sẽ phải thuê. Còn người nào muốn mua thì vẫn được mua. Khi đó sẽ có một ủy ban phức hợp mang tính khách quan gồm đại diện chính quyền, hội nghề nghiệp... kiểm tra xác nhận về tư cách tài chính của người này. Hệ thống kiểm soát tư cách tài chính ở các nước rất minh bạch, vì thế khó bị lạm dụng.

Còn ở ta, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội rất khó nhận diện. Khoảng cách giàu nghèo chưa quá xa. Kế cận tầng lớp thu nhập thấp còn có tầng lớp người cận thu nhập thấp. Trong khi đó, hệ thống kiểm soát thu nhập ở ta chưa minh bạch, rõ ràng thì rất dễ xảy ra tình trạng nhà ở xã hội không đến được tay người có thu nhập thấp.

Để tránh việc chính sách nhà ở xã hội rơi vào túi nhà giàu, luật của ta cấm chuyển nhượng trong một thời gian. Theo tôi, đó là quy định cần thiết nhưng thực hiện bằng cách nào? Tại các nước phát triển, khi người mua nhà ở xã hội đã được đồng ý về tư cách tài chính, ngân hàng sẽ cho đối tượng này vay tiền mua nhà trong thời gian dài. Anh muốn trả trước cũng không được vì không có tiền, mà ngân hàng cũng không nhận. Trong giai đoạn đó, căn nhà đang trong tình trạng thế chấp, tất yếu không thể chuyển nhượng được. Các cơ chế này tự bản thân nó ràng buộc lẫn nhau chứ không cần phải ra lệnh “cấm chuyển nhượng nhà ở xã hội”. Dĩ nhiên là không cấm vĩnh viễn vì nếu thế là hạn chế quyền sở hữu của người dân.

Thực tế không thể phủ nhận quá nhiều người có nhu cầu về nhà ở, dù là tầng lớp thu nhập thấp hay cận thấp. Ta cấm chuyển nhượng nhưng không thể cấm nhu cầu cần nhà. Cho nên khó tránh khỏi tình trạng lượng nhà từ đối tượng thu nhập thấp chảy sang đối tượng cận thấp, dù là họ chuyển nhượng “chui”. Như nhà nước cấm bán suất tái định cư nhưng vẫn xảy ra tình trạng người dân chuyển nhượng “chui”, chấp nhận các rủi ro.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP