Nhà ở và nghịch lý “thừa – thiếu”

Cập nhật 21/03/2011 11:10

Thị trường bất động sản (BĐS) lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý đó là: Không ít dự án chung cư cao tầng bị ế ẩm với những căn hộ bỏ không trong khi một số lượng lớn người lao động lại không có nhà để ở.

Điều này dẫn đến việc nguồn cung luôn không đủ cầu. “Đáp ứng nhu cầu của những người thu nhập thấp, thị trường nhà cho thuê ngày một nóng bỏng hơn” - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Minh nhận định xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Văn Minh
* Thưa ông, có một thực tế là, nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay rất cao, song tại các đô thị lớn, quỹ đất dành cho người thu nhập thấp không nhiều, nhưng bên cạnh đó lại có rất nhiều khu biệt thự đang bị bỏ hoang?

Với quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta không thể đặt hai vấn đề khác nhau trong một vấn đề. Nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp phụ thuộc vào chiến lược phát triển của Nhà nước và các tỉnh, phải căn cứ vào quỹ đất, nhu cầu của từng địa phương để đề ra chính sách. Còn đối với những khu biệt thự đã có trong các dự án phát triển đô thị trước đây, qua 5 năm, 10 năm, thậm chí có những khu 15 năm vẫn còn đang bỏ hoang.

Thực ra những ngôi biệt thự này đều đã có chủ, nhưng đây là nhà của những người có tiền, thường họ đã có nhà ở nơi khác, họ chờ đến khi nào những khu này hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thì sẽ tiến hành tu bổ lại.

Luật Đất đai quy định, trong vòng 12 tháng sau khi nhận đất mà không đưa vào sử dụng thì cơ quan tài nguyên môi trường lập hồ sơ thu hồi trình cấp có thẩm quyền xử lý để đưa đất đó vào sử dụng có hiệu quả. Đối với tất cả các dự án đầu tư, nếu có quy mô là một khu đô thị thì đều có quy chế quản lý khu đô thị. Tất cả các quy chế này đều có quy định, sau khi chủ đầu tư hoàn thành dự án thì phải bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

Nhưng hầu hết các dự án đầu tư của chúng ta đến hôm nay vẫn chưa bàn giao cho địa phương. Chính điều này đã nảy sinh vấn đề, có rất nhiều khu nhà ở khi hỏi đến chính quyền địa phương thì họ thường bảo dự án này chưa bàn giao cho họ quản lý. Nhưng nếu có vấn đề gì đó về trật tự an ninh, xã hội thì lại gọi đến chính quyền địa phương. Đây vẫn còn là một bất cập hiện nay chưa được giải quyết triệt để.

* Gần đây nổi lên phong trào xây nhà cho thuê để đáp ứng nhu cầu người thu nhập thấp. Nhận định của ông về phân khúc thị trường này trong thời gian tới?

Trong thị trường BĐS nói chung, phân khúc nhà ở nói riêng, về mặt pháp luật, chúng ta đã có Hiến pháp bảo vệ quyền có nhà ở của người dân. Nhưng từ hơn 20 năm nay, vấn đề chiến lược đầu tư nhà ở cho thuê, sau Pháp lệnh về nhà ở năm 1991 không còn bao cấp về nhà ở, thì mảng đầu tư nhà ở cho thuê của chúng ta hầu như bị quên lãng, chỉ có một phần rất nhỏ các dự án do các chủ đầu tư không phải của Nhà nước làm, còn mảng đầu tư của Nhà nước để đảm bảo an sinh, đời sống của người dân thì không quan tâm.

Chúng ta mới chỉ quan tâm đi hóa giá những nhà thuộc sở hữu Nhà nước đang thuê để trở thành sở hữu tư nhân, nhưng lại không có bù đắp. Trong khi đó, nhu cầu thuê nhà thực tế lại rất lớn, với mức thu nhập bình quân hiện nay của người dân, phải 15, 20 năm nữa họ mới có thể mua nổi một căn nhà (đấy là tính đồng lương họ làm ra chỉ để tích lại mua nhà, chưa nói đến họ phải ăn uống, sinh hoạt). Do đó, có rất nhiều đối tượng có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ điều kiện để sở hữu một căn hộ, việc họ tìm đến thuê một căn hộ để giảm bớt chi phí đang là nhu cầu thiết yếu.

Theo tôi, phân khúc tại thị trường này hiện nay đang rất “nóng” và sẽ còn tiếp tục nóng. Tới đây, nếu chúng ta có chiến lược, chính sách đẩy mạnh nhà ở cho thuê thì sẽ phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.

* Vai trò của Hiệp hội BĐS trong việc vận động doanh nghiệp tham gia vào chương trình xây nhà cho thuê và cho thuê giá rẻ đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dân hiện nay như thế nào, thưa ông?

Bắt đầu từ năm 2008, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã chính thức đề nghị lên Chính phủ có giải pháp và chương trình đầu tư thực sự vào mảng nhà ở. Hiệp hội luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng Nhà nước, cũng như kêu gọi các hội viên của mình cùng góp sức tham gia vào chương trình này. Trong tổng số trên 100 dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội thì đã có rất nhiều chủ đầu tư là hội viên Hội BĐS Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tín dụng trong cho vay BĐS của ngân hàng cũng đang cản trở thị trường BĐS phát triển, nhất là với phân khúc thị trường nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, không ít dự án có quỹ đất sạch nhưng chủ đầu tư không dám xây dựng vì chậm thu hồi vốn. Mặt khác, nhiều ngàn tỉ đồng vốn của Nhà nước dành cho chương trình này vẫn “đắp chiếu” tại ngân hàng mà chưa được giải ngân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết