Nhà ở thương mại khó chạm gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 09/07/2013 10:20

Ngoài những vướng mắc chung về tài sản thế chấp, hay chứng minh thu nhập, các dự án thương mại còn gặp thêm những khó khăn khác khiến cho người mua nhà khó tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Trước tốc độ giải ngân “rùa bò” gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản “thúc” 5 ngân hàng được chỉ định đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 1250/BXD-QLN hướng dẫn các đối tượng cụ thể và thủ tục vay gói hỗ trợ này.

Với động thái tích cực của các bộ, ngành liên quan, nhiều người kỳ vọng sẽ có cơ hội vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để hiện thực hóa giấc mơ có nhà của mình. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy. Cánh cửa tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tưởng chừng đã được “mở toang”, nhưng vẫn có những lực cản khiến người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.

Khâu khó khăn nhất đối với người mua nhà khi tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là chứng minh thu nhập

Trong số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về những tồn tại, vướng mắc khi Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 1250/BXD-QLN như tài sản thế chấp là chính căn hộ khách hàng mua, nhưng theo quy định, với nhà xã hội, căn hộ này chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm, khiến các ngân hàng e ngại rủi ro; hay quy định “nước đôi” trong văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc chứng minh thu nhập, cũng khiến nhiều người gặp khó. Bởi các ngân hàng khi cho vay đều yêu cầu lập phương án trả nợ, mà phương án trả nợ bắt buộc phải chứng minh thu nhập, đây chính là khâu khó khăn nhất của người mua nhà khi muốn tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng.

Ngoài những rào cản trên, người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2/căn hộ và giá dưới 15 triệu đồng/m2 còn có một số khó khăn khác. Với các dự án nhà ở xã hội, các ngân hàng thường cho vay cả gói, cả chủ đầu tư và người mua nhà. Khi đó, chủ đầu tư nhà ở xã hội vừa có vốn thực hiện dự án, vừa đảm bảo được đầu ra. Điển hình là trường hợp VietinBank và Tổng công ty Viglacera ký thỏa thuận hợp tác, đồng thời thực hiện chương trình cho vay khách hàng cá nhân đối với 2 dự án tại Khu đô thị Đặng Xá II và Khu đô thị Xuân Phương. Trong khi đó, đa số các dự án nhà ở thương mại đã được chủ đầu tư đem toàn bộ dự án thế chấp ngân hàng để vay vốn. Vì thế, khách hàng chỉ có thể vay vốn tại các ngân hàng mà chủ đầu tư có ký kết hợp tác, chứ khó có thể vay ở ngân hàng khác. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng người dân không thể làm được sổ hồng.

Chính vì vậy, dù hội tụ đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, nhưng người mua nhà vẫn khó được các ngân hàng giải ngân, dù nhiều ngân hàng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, nguồn vốn 30.000 tỷ đồng là nguồn tái cấp vốn, không phải là vốn ngân sách, nên các ngân hàng thận trọng, đề phòng nợ xấu xảy ra trong tương lai cũng là dễ hiểu.

Trong khi đó, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là hướng đến các đối tượng thu nhập thấp, mà cho người nghèo vay, ít khi mất tiền?

“Nếu không tin, các ngân hàng cứ làm thống kê. Đa số các trường hợp mất tiền đều là những khoản vay lớn. Với người nghèo, căn nhà là cả một đời phấn đấu của không chỉ cá nhân, mà cả gia đình. Người nghèo cũng ít khi vay đến 80% giá trị căn nhà, cùng lắm chỉ từ 50 - 70%. Họ không dễ dàng để mất tài sản của cả gia đình. Hơn nữa, khi đã vay được tiền mua nhà, họ đã chuẩn bị trước phương án trả nợ, nhưng khó chứng minh thu nhập, bởi đa số là làm nghề tự do”, ông Nam nói và phát đi thông điệp: “Các ngân hàng hãy tin ở khả năng trả nợ của người nghèo!”. Đó cũng chính là lý do Bộ Xây dựng dành nhiều ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán