Năng lực của bên thiết kế, thi công; độ an toàn với công trình lân cận… phải được làm rõ trước khi cấp phép.
“Điểm mới trong dự thảo nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và dự thảo nghị định cấp phép xây dựng là chất lượng nhà ở của người dân được quản ngay từ khâu cấp phép” - ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng (gọi tắt là Cục Giám định), cho biết bên lề hội thảo góp ý dự thảo nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng, ngày 25-11.
Chủ nhà phó mặc cho nhà thầu
Đến nay, nhiều người vẫn chưa quên vụ sập nhà làm chết hai học sinh hồi đầu tháng 11 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. “Nguyên nhân cũng là do nhà xây kém chất lượng. Nếu nhà được xây tốt thì việc nổ bình gas ở tầng một không thể làm đổ sập căn nhà được” - ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định, nhận xét.
Theo Cục Giám định, qua kiểm tra những căn nhà gặp sự cố, hàng loạt yếu kém trong quá trình xây dựng đã lộ ra, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công cho đến giám sát. Trong đó, chủ yếu là chủ đầu tư không thuê tư vấn khảo sát, lập thiết kế; thuê nhà thầu, giám sát không đủ năng lực… Nhiều trường hợp xây không phép, sai phép.
Việc giám sát chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ thường ít được chú trọng. Ảnh: HTD |
Một số vụ sập nhà do thi công kém
- Tháng 3-2009, tại một căn nhà trên đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, một bức tường đang xây ở độ cao trên 10 m bất ngờ đổ ập, kéo theo sáu công nhân rơi xuống. Ba người bị thương nặng.
- Tháng 8-2009, một căn nhà trong hẻm 149 đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM bị sập hoàn toàn làm hai người chết, tám người bị thương nặng. Kết quả giám định cho thấy hệ khung chịu lực của căn nhà không đảm bảo khả năng chịu lực.
- Tháng 8-2010, tòa nhà ba tầng ở 442 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7 bị sập khi đang sửa chữa. Bảy người bị vùi lấp. Nguyên nhân do quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP