Những phức tạp - nảy sinh từ những khu tái định cư (KTĐC), như vẫn cứ đeo bám tới từng người dân khu vực này.
Khi người dân cần đến cơ quan quản lý thì chỉ được trả lời: Chính quyền địa phương chỉ quản về mặt hành chính, còn liên quan tới dự án phải do cơ quan quản lý, chủ đầu tư. Kêu mãi, người dân cứ tự hỏi: "Họ có phải là những đứa con đang bị bỏ rơi?".
Những cư dân "ngoài vòng pháp luật"
Là một trong những KTĐC được nhận nhà từ năm 2006, KTĐC Cầu Diễn hiện vẫn phải sử dụng nước giếng khoan thay vì dùng nước máy. Những dãy nhà B3, B4, B5 vừa chỉ mới đưa vào sử dụng từ 2 - 3 năm, nhưng tường ẩm ướt, nứt dọc ngang, mốc xanh, hệ thống thoát nước bị vỡ chảy tràn lênh láng.
Điều đáng ngạc nhiên là KTĐC này phải dùng nước giếng khoan với giá... "cắt cổ" là 3.500đ/m3 và dùng theo kiểu "bao cấp": Chỉ được dùng 16m3/hộ/tháng, nếu dùng nhiều hơn thì lượng nước dôi ra phải tính với mức cao hơn rất nhiều. Mặc dù giá nước sinh hoạt cao hơn giá nước mà Cty kinh doanh nước sạch HN đang bán tới 700đ/m3, nhưng chất lượng nước mới đáng sợ hơn. Nhiều hôm mở vòi nước ra, người dân không dám sử dụng vì nước đục, nổi váng màu vàng.
Bà Lê Thị Tốn - P206 nhà B3 KTĐC Cầu Diễn - cho biết: "Gia đình tôi đến ở đây từ năm 2006 theo diện giải toả khu tập thể nhà gỗ bị cháy tại phố Vọng Hà, Chương Dương, nhưng chúng tôi như là những cư dân sống "ngoài vòng pháp luật", vì chẳng có tổ dân phố, hội phụ nữ hay đoàn thanh niên".
Chung cảnh ngộ nước, điện không đảm bảo, KTĐC Bình Yên (thôn Thạch Hoà, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) với gần 200 hộ dân, nhưng đến nay vẫn còn thưa thớt các hộ không đến nhận nhà, vì đơn giản nước và điện ở đây không đảm bảo. Hệ thống nước phải sử dụng là nước giếng khoan, trong khi đó KTĐC này lại nằm kẹt giữa 2 khu nghĩa địa nên người dân nghi ngờ nguồn nước sử dụng không đảm bảo.
Theo bà Đỗ Lợi - một trong những người chuyển về đây đầu tiên: "Diện tích nhà ở đây từ 150 - 300m2, quá lớn với những hộ dân ít nhân khẩu, người sinh sống chưa nhiều nên rất vắng vẻ". KTĐC NƠ 14B cũng nằm trong diện phải sử dụng nước giếng khoan, ông Đỗ Viết Doanh - Tổ trưởng tổ dân phố 27C - cho biết: "Toàn bộ 121 hộ dân khu nhà này phải sử dụng nước giếng khoan với giá bằng công ty kinh doanh nước sạch. Dù người dân có cẩn thận như thế nào, lọc, đun sôi, lọc lại, nhưng chỉ sau một vài ngày đều chuyển thành màu xanh nước biển. Từ khi chúng tôi về đây, chưa từng thấy KTĐC này được cải tạo, nâng cấp, vì vậy nó xuống cấp rất nhanh, đặc biệt sau trận lụt lịch sử".
Toàn bộ KTĐC Định Công gồm 3 toà nhà, nhưng người dân đều phải đi bằng cửa phụ vì cửa chính bị sụt, lún, nứt. Riêng nhà NƠ 14A, một cầu thang máy đã hỏng 1 năm, nhưng gọi mãi đơn vị quản lý nhà không sửa.
Những cư dân ở Đền Lừ còn khổ hơn thế, nếu mất điện nguồn thì người dân ở tầng 11, 13 toà nhà A1, A2, A3, A4, A5 phải tự đi bằng cầu thang bộ vì không có máy phát điện. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, toàn bộ tầng trên cùng của các toà nhà từ A1 - A5 đều ngập hoặc thấm nước, nhà bị nặng nhất là ngập 3cm nước như căn hộ 1513, 1514, 1505, 1506 của nhà A2.
Khổ hơn nữa, nhà bác Quách Đức Trí - Tổ trưởng tổ dân phố 87, nếu buổi tối không khoá van nước trước cửa nhà thì hôm sau nước tự dâng lên ngập toàn bộ khu bếp. Hiện tượng gạch lát nền bong, tượng vôi rơi, hệ thống thoát nước từ tầng cao xuống tầng thấp hỏng là khá phổ biến ở những toà nhà này. Điển hình hộp kỹ thuật ở KTĐC NƠ 14B hỏng, nước từ hội trường dâng lên, kêu gọi Xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ KĐT Hà Nội mãi không được, 4 hộ dân ở P408, 308, 309, 409 tự bỏ tiền ra sửa. Cũng do đơn vị này quản lý và khai thác, nhưng những cư dân ở nhà A4 Đền Lừ bị hỏng hệ thống cabin rác, làm đơn mãi không thấy được sửa, người dân tự đóng tiền để thuê sửa.
Nhà xuống cấp, kêu ai?
Hiện nay, hầu hết các KTĐC ở Đền Lừ chưa được làm "sổ đỏ" với lý do cơ quan quản lý mới tiếp nhận được một thời gian ngắn. Nhiều hộ dân nơi đây phản ánh họ như đi ở thuê, ở nhờ, chứ không phải là sở hữu tài sản của mình. Khu nhà A2 Đền Lừ trong số 191 căn hộ chỉ có 100 căn hộ bàn giao, còn 91 căn hộ vẫn chưa được bàn giao hết.
Chứng minh cho tình trạng không biết kêu ai, anh Nguyễn Quang Trung - P205 nhà B3 KTĐC Cầu Diễn - nói: "Khi gia đình tôi được bố trí đến KTĐC này với bao hứa hẹn của chủ đầu tư như: Chất lượng nhà tốt, an ninh trật tư đảm bảo..., nhưng thực tế gia đình tôi phải mất nhiều tiền để sửa chữa bếp, đường điện, lát nền. Nghịch lý, đường ống nhà tôi vỡ muốn sửa chữa phải được phép của chủ đầu tư và hộ ở dưới".
Một trong những phản ứng của người dân KTĐC Định Công toà nhà NƠ 14B sau 5 năm sinh sống, đơn vị quản lý chưa một lần hút bể phốt nên dẫn tới tình trạng hôi thối, toàn bộ 121 hộ dân đã làm 3 đơn trình bày không được trả lời, họ quyết định dừng đóng phí tháng 11.2008 và quyên góp của các hộ dân để thuê hút 5 bể phốt, cải thiện môi trường sống.
Ông Đỗ Việt Doanh - Tổ trưởng khu nhà NƠ 14B - bức xúc: "Tình trạng xuống cấp của nền nhà đã đến mức đáng báo động, chúng tôi đang có đơn xin ý kiến với cả UBND và đơn vị quản lý, nếu không xử lý kịp thời chúng tôi ngừng đóng phí để sửa nền nhà, khi nào xong sẽ đóng phí tiếp".
Cuộc sống của mỗi hộ dân KTĐC xem ra vẫn ở "ngã ba đường". Mỗi hộ trung bình phải mất từ 150.000 - 300.000đ/tháng với các loại phí. Trong khi đó, đơn vị quản lý khai thác chỉ tận thu khai thác mà không đầu tư, cải tạo, nâng cấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động