Nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp Cần Thơ: Vẫn còn là “ẩn số”

Cập nhật 11/03/2008 15:00

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX-CN Cần Thơ), tại 5 KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 31.600 lao động, tập trung nhiều nhất tại KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy). Đa phần lao động làm việc ở đây đến từ các vùng quê xa xôi. Để ổn định chỗ ở, họ phải thuê nhà trọ với giá đắt đỏ.

Ông Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc cho biết, tại các khu vực gần KCN Trà Nóc có hơn 200 cơ sở kinh doanh nhà trọ với gần 1.600 phòng trọ, nhưng hầu như không còn phòng trống.

Một phòng trọ 10 - 12 m2 có giá cho thuê 200.000 - 400.000 đồng/tháng. Với đồng lương ít ỏi, 3 - 4 lao động phải hùn tiền lại mới dám thuê một phòng để ở. Mặc dù giá cho thuê cao, nhưng phần lớn các nhà trọ được xây dựng rất sơ sài, ẩm thấp...

Nơi ở của công nhân tại các KCN khác trên địa bàn TP. Cần Thơ, như KCN Thốt Nốt, KCN Hưng Phú... cũng tương tự.

Theo Đề án Phát triển nhà ở xã hội do Sở Xây dựng TP. Cần Thơ soạn thảo trình UBND Thành phố, thì hiện tại, Cần Thơ có hơn 10.000 công nhân ở KCN bức xúc về nhà ở (tương ứng hơn 3.000 phòng). Dự báo trong giai đoạn 2010 - 2020, nhu cầu về nhà ở cho công nhân có thể sẽ tăng gấp đôi.

Theo ông Phan Thông Huấn, Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội (Liên đoàn Lao động TP. Cần Thơ), trong 8 dự án xây dựng nhà ở xã hội, có 2 dự án xây nhà cho công nhân. Dự kiến, 2 dự án nhà ở cho công nhân sẽ được triển khai trên địa bàn quận Bình Thủy và quận Ô Môn. Tuy nhiên, vừa nghe “hơi” quy hoạch, hàng trăm hộ dân ở đây đã cất thêm nhà, cơi nới nhà cửa, chia tách hộ để chờ hưởng lợi từ đền bù, nên dự án này đang rất khó “khởi động”.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX-CN Cần Thơ cho biết, khó khăn lớn nhất trong triển khai xây dựng nhà ở công nhân vẫn là mặt bằng. Bên cạnh đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi đặt biệt cho dự án nhà ở công nhân, hỗ trợ công nhân mua nhà, nên khi kêu gọi đầu tư thì hầu như các nhà đầu tư đều bỏ chạy, vì dự án nhà ở công nhân kém sinh lợi và thu hồi vốn chậm.

Như vậy, mặc dù đã được bàn bạc nhiều năm, song đến nay, vấn đề nhà ở cho công nhân tại Thành phố Cần Thơ vẫn chưa tìm ra lời giải. Người công nhân sau ca làm việc vất vả vẫn phải tiếp tục chen chúc ngả lưng trong những căn phòng ẩm thấp. Với đồng lương ít ỏi, họ chỉ còn biết cam chịu sống ở các khu nhà trọ chật chội rẻ tiền.

Nhiều lao động không trụ nổi đã quay về với ruộng đồng, làm cho hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lâm vào cảnh thiếu lao động trầm trọng. Và thực tế đã cho thấy, vấn đề môi trường sống, thu nhập, điều kiện làm việc... là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công nhân tự phát đình công, lãn công diễn ra liên tiếp ở nhiều KCX, KCN trong thời gian gần đây.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán