Doanh nghiệp ở Bình Dương không dám đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vì sợ thu hồi vốn quá lâu. Công nhân thuê mướn nhà ở bên ngoài phải chịu giá cao, thêm tiền điện, nước luôn đắt đỏ.
Trong hai tháng 9 và 10-2008, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức ba cuộc gặp gỡ với công nhân (CN) ở các KCN trên địa bàn. Tại các cuộc tiếp xúc lãnh đạo địa phương này, CN luôn bức xúc phản ánh về chuyện khó khăn về chỗ ở.
Giá nhà, điện, nước đều tăng
Giá thuê nhà trọ ngày càng tăng là nỗi lo canh cánh của tất cả CN ở Bình Dương. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, CN một doanh nghiệp may mặc ở huyện Dĩ An - Bình Dương, cho biết trong năm nay chị và những người bạn ở chung đã phải chuyển nhà trọ hai lần để tìm nơi có giá dễ thở hơn.
Chị Quỳnh cho biết: “Giá nhà trọ liên tục tăng cao, chúng tôi không thể nào kham nổi, đành chấp nhận tìm nơi khác cách chỗ làm hơn 7-8 km, chịu khó đi xa nhưng giá thuê nhà chấp nhận được”.
Anh Trần Xuân Nghĩa, hiện là CN tại một công ty ở KCN Sóng Thần 1, nhìn nhận: “Với tình hình giá cả nhìn chung đều tăng cao như vừa qua, chúng tôi biết việc chủ nhà trọ tăng giá cho thuê là điều không tránh khỏi. Lúc trước CN chúng tôi chỉ tốn bình quân 300.000 đồng thuê phòng mỗi tháng, nay phải mất ít nhất 350.000 đồng, có chỗ còn lên đến 500.000 đồng. Cứ lâu lâu nghe chủ nhà thông báo tăng giá cho thuê là tụi tôi rầu lắm. Song, chủ nhà thông báo tăng bao nhiêu cũng phải đóng thêm thôi, chứ tìm nhà trọ rẻ hơn bây giờ cũng khó khăn lắm”.
Nhiều CN cho biết ở nhà trọ không chỉ phải chịu giá nhà liên tục tăng mà còn phải gánh theo giá điện, nước luôn đắt đỏ.
Anh Trần Xô, CN ở một công ty dệt nhuộm tại Lái Thiêu - Bình Dương, cho biết: “CN ở nhà trọ như chúng tôi phải chịu giá điện, nước trên trời. Giá điện ít nhất cũng 2.500 đồng, có chỗ thu đến 5.000 đồng/KWh; còn giá nước cũng cao ngất ngưởng, 4.000 - 5.000 đồng/m3. Dù chúng tôi xài nước do nhà máy nước cung cấp hay nước giếng do chủ nhà trọ khoan thì cũng đều phải trả giá cao như vậy”.
Đề án nhà ở xã hội gặp khó
Vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là CN, đã được tỉnh Bình Dương triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng có đề án xây dựng trên 100 khu chung cư cao tầng cho thuê hoặc bán cho CN và người có thu nhập thấp. Song, với mức kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng cho đề án này, việc huy động vốn từ nhiều nguồn là rất khó khăn.
Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở cho CN rất khó thực hiện, vì nhà đầu tư ngại thu hồi vốn rất chậm. Ở một số KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã có vài doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CN với tiêu chuẩn khá cao.
Tuy nhiên, nhìn chung, nếu nhà đầu tư không ngại việc thu hồi vốn chậm, muốn xây dựng nhà ở cho CN trong các KCN thì cũng vướng khó khăn về mặt pháp lý. Theo ông Nguyễn Văn Định, giám đốc nhân sự ở một KCN tại Bình Dương, các cơ quan chức năng thường lo ngại việc xây dựng nhà ở cho CN tại các KCN dễ phát sinh thêm nhà trẻ cho con cái họ sau đó, thì khó mà quản lý được.
Xem ra, đề án nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức thiết cho CN và người thu nhập thấp nói chung ở Bình Dương, ngày càng xa vời.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động