Nhà ở cho thuê: Nhu cầu lớn, nguồn cung không nhiều

Cập nhật 27/11/2014 08:45

Hà Nội được coi là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc phát triển loại hình nhà ở xã hội, từ nhà cho người thu nhập thấp đến nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp (KCN), nhà cho thuê hay thuê mua…

Tổng Công ty Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị (KĐT) Đặng Xá II (Gia Lâm), vừa nhận 270 căn hộ cho thuê, trong tổng số hơn 1.500 căn hộ nhà ở xã hội dự kiến được bàn giao dịp Tết Nguyên đán 2015. Đây là dự án nhà ở xã hội cho thuê đầu tiên do DN bỏ vốn đầu tư trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, các căn hộ được thiết kế có diện tích 45, 47, 60 và 69,5m2. Giá cho thuê dự tính khoảng 30.000 đồng/m2/tháng, cộng với phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2/tháng. So với giá bình quân trên thị trường, mức giá này chỉ bằng 60%. Sở dĩ có được mức giá như vậy là do DN bù lãi từ phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở xã hội cho nhà ở cho thuê, bảo đảm lợi nhuận của các loại hình nhà ở không quá 10%.

Một góc Khu đô thị Đặng Xá II (Gia Lâm). Ảnh: Thái Hiền

Việc một DN đầu tư loại hình nhà ở xã hội cho thuê với giá rẻ là tín hiệu tích cực, bởi từ trước đến nay loại hình nhà xã hội cho thuê ít được DN quan tâm vì vốn đầu tư nhiều, lợi nhuận thấp lại thu hồi vốn chậm. Trong khi nhà ở do người dân cho thuê giá khá cao, căn hộ có diện tích trung bình 30m2 có giá dao động 3-7 triệu đồng/tháng (tùy vị trí).

Từ năm 2010, Hà Nội đã thí điểm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua tại lô CT19 và CT21 KĐT Việt Hưng bằng vốn ngân sách và vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Từ năm 2011, hai dự án này được phân cho một số hộ gia đình chính sách, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan của thành phố. Song do số lượng có hạn nên dự án chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu thực tế. Từ đó đến nay, chưa có dự án nhà ở cho thuê, thuê mua nào được triển khai tiếp.

Với thu nhập bình quân của người lao động hiện nay, loại hình nhà ở cho thuê và thuê mua là loại nhà ở tương đối phù hợp. Tuy nhiên, để khuyến khích được DN, người dân tham gia cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn nữa. Đơn cử, dự án nhà cho thuê của Viglacera, đối tượng được thuê phải đáp ứng các điều kiện giống như người thu nhập thấp mua nhà xã hội; phải xác nhận có khó khăn về nhà ở tại nơi cư trú, phải có hợp đồng lao động thời hạn 1 năm trở lên và đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có dự án nhà cho thuê; hay học sinh, sinh viên tuy có thẻ, giấy xác nhận của nhà trường nhưng vẫn phải xác nhận khó khăn về nhà ở nơi cư trú…

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, việc áp các điều kiện như người mua nhà ở xã hội với người thuê nhà khiến cho nhiều người ngại làm thủ tục, chấp nhận ở nhà thuê bên ngoài dù chật chội, chất lượng kém hơn nhà ở dự án. Hay dự án nhà cho thuê tại KĐT Việt Hưng, qua thị sát thực tế của lãnh đạo thành phố, người dân phản ánh mức giá dịch vụ và giá cho thuê dự kiến tăng khá cao so với mặt bằng chung KĐT và thu nhập của người lao động. Trong khi, đơn vị vận hành phàn nàn tiền dịch vụ thu không đủ chi phí, diện tích tầng 1 bỏ trống không cho thuê được vì đơn giá cao, nên không có nguồn hỗ trợ cho vận hành…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc xây dựng nhà ở cho thuê rất cấp thiết, cần được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu người dân không có đủ tiền sở hữu nhà ở. Bộ Xây dựng khuyến khích DN nhà nước, tư nhân tham gia xây dựng loại hình nhà ở này. Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung hướng dẫn xác định đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở (có hiệu lực từ ngày 25-11). Theo đó, ngoài DN đầu tư nhà ở xã hội bổ sung thêm DN là chủ đầu tư dự án nhà thương mại chuyển đổi công năng sang nhà xã hội; cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, bán cho đối tượng công nhân, người lao động tại KCN, chế xuất, cơ sở sản xuất, nhà máy kể cả bên ngoài KCN.

Về xác nhận điều kiện được vay, thông tư hướng dẫn, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước chỉ cần xác nhận một lần thực trạng nhà ở, nơi ở của đơn vị công tác, không yêu cầu xác nhận điều kiện thu nhập. Người lao động tại DN, lao động tự do, kinh doanh cá thể… chỉ cần xác nhận của UBND nơi cư trú về thực trạng nhà ở. Đáng chú ý, quy định gỡ một số vướng mắc trong thực tế triển khai, chẳng hạn mỗi hộ chỉ được xác nhận điều kiện ở một lần nhưng trường hợp con, cháu cùng hộ khẩu đã lập gia đình được coi là hộ gia đình độc lập và được xác nhận điều kiện ở… Thông tư cũng nêu rõ, người khai báo chịu trách nhiệm về nội dung khai báo của mình.

Sau khi kiểm tra dự án nhà ở xã hội tại Việt Hưng (Long Biên), Đặng Xá II (Gia Lâm), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chỉ đạo giải quyết ngay một số vấn đề tồn tại. Cụ thể, với dự án nhà xã hội tại KĐT Việt Hưng, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng tính toán đơn giá cho thuê diện tích dịch vụ tầng 1 phù hợp với thực tế, không để bỏ trống; đồng thời nghiên cứu sớm đưa vào cho thuê để hoàn chỉnh công năng khu nhà. Vận dụng phương pháp tính giá thuê nhà, bán nhà theo hướng có lợi cho người dân, hoàn chỉnh trong tháng 12-2014, báo cáo UBND thành phố. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, trong tháng 12, UBND thành phố sẽ rà soát các dự án nhà ở xã hội, dự án chậm triển khai sẽ thu hồi giao chủ đầu tư khác.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới