Ước mơ của nhiều người lao động lập nghiệp tại TPHCM là mua được căn nhà để an cư và lạc nghiệp. Tuy nhiên nhiều năm qua, ước mơ này càng trở nên xa vời khi giá nhà ngày càng cao, nguồn cung nhà giá rẻ khan hiếm.
Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ
Vào TPHCM lập nghiệp và xây dựng gia đình với tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 17 triệu đồng/tháng, trong gần 10 năm sống ở thành phố, vợ chồng anh Hoàng phải chuyển hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Với mức thu nhập trên, vợ chồng anh cũng tích cóp, dành dụm để tìm chỗ an cư tại TPHCM. Tuy nhiên, khi có khả năng mua nhà thì gói 30.000 tỉ đồng đã giải ngân hết. Vất vả đi tìm chung cư giá rẻ hết quận này tới quận khác, nhưng vẫn chưa thể tìm được dự án nào. Có hôm xem thông tin quảng cáo thấy có dự án chỉ 800 triệu đồng/căn hộ, hai vợ chồng rất mừng, vội vàng liên hệ để tìm hiểu. Tuy nhiên, khi đến công ty rao bán, thì được môi giới giới thiệu dự án mãi ở Bình Dương. Cuối cùng, sau nhiều tháng tìm kiếm, hai vợ chồng anh cũng tìm được một dự án nhà giá rẻ tại quận Bình Tân, phù hợp với khả năng. Nhưng muốn mua phải vay và mức lương của hai vợ chồng anh không đạt điều kiện của ngân hàng. Thế là, một lần nữa vợ chồng anh lại thất vọng và chờ đợi vận may trong tương lai chưa biết khi nào mới tới.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, từ giai đoạn cuối năm 2017 đến nay, các dự án mở bán chủ yếu là các dự án tầm trung, có giá trên 1,5 tỉ đồng/căn hộ, chưa bao gồm thuế VAT và các khoản phát sinh. Nhiều dự án căn hộ dù quảng cáo dự án có giá 1 tỉ đồng/căn, nhưng giá bán thực tế trên 1 tỉ đồng, bởi mức 1 tỉ đồng là những căn xấu, diện tích nhỏ, số lượng rất ít và cũng chưa có thuế. Với các căn đẹp, cộng cả thuế có giá lên tới trên 1,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, những dự án giá rẻ (có giá dưới 1 tỉ đồng/căn) lại hoàn toàn thiếu vắng trên thị trường TPHCM. Những thương hiệu làm nhà ở giá rẻ của TPHCM như Hoàng Quân, NHO, Lê Thành… không hề có dự án mới được mở bán từ giữa năm 2017 đến nay, cũng như trong kế hoạch phát triển dự án của các đơn vị này cũng chỉ là dự kiến trong thời gian tới. Thậm chí, ngay cả những dự án nhà ở xã hội mà các đơn vị này triển khai cũng đang gặp vô vàn khó khăn về vốn và thậm chí chậm tiến độ.
Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng tăng cao nhưng để giải bài toán nguồn cung không đơn giản Ảnh: NGỌC TIẾN
|
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM nhìn nhận, việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng ách tắc lớn nhất là quỹ đất và vốn. Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường chọn phương án nộp tiền hoặc chuyển giao quỹ nhà (sàn xây dựng) thay cho việc cam kết dành quỹ đất 20%. Thậm chí, nhiều dự án dù có diện tích trên 10ha, nhưng chủ đầu tư tìm cách lách sao cho dưới 10ha để khỏi thực hiện quy định này, khiến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ngày càng thu hẹp. Không chỉ quỹ đất mà hiện nguồn vốn ưu đãi cho vay hoặc hỗ trợ lãi vay cho cả chủ đầu tư và các đối tượng được nhà ở xã hội cũng thiếu trầm trọng. B.C ghi
Không có gói hỗ trợ, không thể làm nhà giá rẻ
Trao đổi với PV Báo Lao Động về đề xuất của Hiệp hội bất động sản TPHCM về nhà ở xã hội giá rẻ chỉ khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xây nhà khoảng 200 triệu đồng có thể làm được, tuy nhiên nó chỉ giới hạn ở một vài dự án, cung cấp chỉ khoảng vài nghìn căn hộ chứ không thể áp dụng trên diện rộng. Bởi với giá 200 - 300 triệu đồng có thể chất lượng sẽ không đảm bảo, thứ hai giá đất của TPHCM hiện rất cao, hầu như không thể xây với giá chỉ 300 triệu đồng ở vùng trung tâm, còn đẩy ra vùng ven thì nhà nước phải tạo hạ tầng, số tiền bỏ ra tạo hạ tầng kỹ thuật lại lớn hơn nhiều. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, điều cần nói đến đầu tiên để có thể mở rộng nhà ở xã hội giá rẻ là gói tài chính từ Chính phủ. “Phải nói rằng, gói 30 nghìn tỉ đồng tạo ra động lực rất lớn cho doanh nghiệp, tạo chỗ dựa vững chắc cho người thu nhập thấp ở thành thị. Nhưng hiện tại không còn gói hỗ trợ này nên các dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn. Vậy nên, việc đầu tiên để nói tới việc tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội giá rẻ thì phải cần hỗ trợ tài chính, mở ra gói mới để hỗ trợ mua nhà ở xã hội” - TS Hiếu nói.T.CHÍ.