Song song với phát triển nhà ở thương mại giá thấp, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có thể chi trả theo cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong kiến tạo chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Một dự án nhà ở xã hội tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
|
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nhập cư, điển hình như tại Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Pháp.
“Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt là chính sách tạo quỹ đất, chính sách thuế, và chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người dân mua, thuê nhà ở xã hội” ông Châu nói.
Nhà ở xã hội là loại hình không thể thiếu, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cấp thiết, tái cấu trúc thị trường bất động sản, giúp cho thị trường phát triển ổn định. Hiện nay, đối tượng được mua nhà ở xã hội không chỉ là người có thu nhập thấp, mà bao gồm cả lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, công nhân, học sinh/sinh viên.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cũng khẳng định rõ quan điểm “phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân”. Cùng với việc phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường thì cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, Nhà nước đặt mục tiêu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên/học sinh và 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hỗ trợ cho khoảng 500 ngàn hộ gia đình tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.
Tuy nhiên, theo ông Châu của HoREA, chính sách nhà ở xã hội hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần khắc phục để có thể phát huy tốt vai trò của nó. Thứ nhất, cần tạo nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia nhà ở xã hội. Quốc hội nên bổ sung “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2018, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Thứ hai, hiện lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng ông Châu kiến nghị phân bổ nguồn vốn này cho cả 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank.
Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, nên thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở đô thị.
“TPHCM nên phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa và nhỏ (trong đó có khoảng 25% là loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 25-45m2 ở một số quận ven và các huyện ngoại thành) để hình thành các khu đô thị vệ tinh dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện và cụm nhà ở xã hội theo khu vực có tính liên quận”, vị Chủ tịch HoREA đề xuất.
Ngoài ra, cần quản lý và sử dụng hiệu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là sử dụng hiệu quả quỹ đất công, quỹ đất 20% thuộc các dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp tư nhân để làm nhà ở xã hội, đồng thời, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thiết chế nhà ở cho công nhân.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG