Có một mái nhà để ở là một trong những nhu cầu bức thiết của người dân. Chính vì vậy, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến nhu cầu này của người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân mới chỉ khoảng 1.000 USD/người/năm.
Với mức thu nhập này, đại bộ phận người dân sẽ không có khả năng mua cho mình một căn nhà với giá hàng chục triệu đồng/m² dù họ có mong muốn và nỗ lực thật nhiều. Trong bối cảnh ấy, Nhà nước lại càng phải dồn mọi nguồn lực chăm lo nhu cầu ở cho người dân.
Việc chăm lo này phải được thể hiện bằng những quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thật cụ thể. Nhà nước phải chủ động dành quỹ đất để phát triển loại nhà này. Kêu gọi nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là việc làm không sai, thậm chí nên khuyến khích, nhưng Nhà nước phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình. Nhà nước phải dùng nguồn lực của mình trực tiếp tham gia vào việc phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và các nhà đầu tư khác có thể tham gia với tư cách “cùng làm”.
Kinh nghiệm cho thấy, TPHCM đã có nhiều chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, hoặc ở một dạng tên gọi khác là nhà ở tái định cư phục vụ kế hoạch giải tỏa hàng ngàn hộ dân sinh sống ven kênh, rạch… nhưng hầu như chưa thấy sản phẩm cụ thể nào! Theo tôi, đó là do một số ban ngành chức năng quá kỳ vọng vào các nhà đầu tư, trong khi đây lại là thị trường lợi nhuận không cao so với thị trường nhà ở cao cấp. Và đây có lẽ là nguyên nhân chính của một thực trạng là chủ trương xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì có nhưng… sản phẩm thì chưa thấy!
Với quyền lực trong tay, Nhà nước có thể xác lập những cơ chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, ví như có thể bỏ tất cả các loại thuế liên quan đến nhà đất để sản phẩm này có giá thành phù hợp với đại đa số người dân. Nếu không có những động thái thích hợp ngay bây giờ thì thành phố sẽ còn phải đối mặt với sự phát triển nhếch nhác, lộn xộn kéo dài.
Năm 2006: Nhà xây dựng sai phép là 5.048 vụ.
Năm 2007: Nhà xây dựng sai phép là 4.594 vụ.
Năm 2008: Nhà xây dựng sai phép là 3.528 vụ.
Nguồn: Sở Xây dựng TPHCM
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng